'Sử dụng và bảo vệ nước sạch đúng cách để cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống”

Thứ ba - 17/10/2023 23:17
Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ 'Dinh dưỡng và Phát triển' từ ngày 16 - 23/10 với chủ đề 'Sử dụng và bảo vệ nước sạch đúng cách để cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống'
         Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đứng trước những thách thức toàn cầu về an ninh lương thực, dinh dưỡng, biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, trong đó có việc sử dụng lãng phí nguồn nước, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra thông điệp cho Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm 2023. Chủ đề năm 2023 là “Sử dụng và bảo vệ nước sạch đúng cách để cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống”; kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nước, thực phẩm là nền tảng cho sự sống.
       Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hàng ngày bởi con người sử dụng nước sạch để cung cấp cho các nhu cầu ăn uống, hoặc sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt.  Cụ thể, nước chiếm hơn 50% cơ thể con người và bao phủ khoảng 71% bề mặt trái đất..
        Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước sạch không phải là vô tận. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường làm cho môi trường nước sạch bị cạn kiệt và ô nhiễm, gây ra những hiểm họa ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tăng trưởng dân số nhanh chóng, đô thị hóa, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đang khiến tài nguyên nước trên trái đất ngày càng khan hiếm.. Nguồn nước và chất lượng nước đang suy giảm nhanh chóng do việc quản lý kém, khai thác nước ngầm quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu... Bởi vậy cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nước, sử dụng nước một cách khoa học, không nên lãng phí nguồn tài nguyên nước
       Dinh dưỡng được hiểu đơn giản là những đồ ăn, thức uống được dung nạp vào cơ thể qua các bữa ăn để đảm bảo các hoạt động hàng ngày cũng như duy trì sự sống của con người. Vì một lý do nào dẫn đến thiếu hoặc thừa dinh dưỡng đều có những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Thiếu dinh dưỡng dễ dẫn đến suy kiệt cơ thể, suy dinh dưỡng bào thai, sảy thai, đẻ non… thừa dinh dưỡng có thể dẫn đến béo phì, tăng huyết áp cũng như một số bệnh về tim mạch khác. Khi đã mắc bệnh thì sức khỏe bị suy giảm, kéo theo đó là tốn kém về kinh tế trong điểu trị, cũng như giảm thu nhập của gia đình khi năng suất lao động bị giảm. Chính vì vậy việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm nâng cao sức khỏe, ổn định kinh tế gia đình và cải thiện giống nòi, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương.
         Để đảm bảo an ninh lương thực, cần sản xuất nhiều lương thực hơn, đa dạng các mặt hàng nông sản thiết yếu khác nhưng sử dụng ít nước hơn, với mục tiêu “sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”. Những gì chúng ta ăn và cách sản xuất thực phẩm đều ảnh hưởng đến nước. Con người có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách lựa chọn thực phẩm địa phương, theo mùa và tươi sống, ít lãng phí hơn, thậm chí giảm lãng phí thực phẩm và tìm cách an toàn để tái sử dụng.

        Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực thực phẩm và bữa ăn của người dân được cải thiện rõ rệt. Nghèo đói, thiếu kiến thức là một trong những nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng. Vì vậy, để cải thiện sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em ở những vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số..., Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1 - 1,5%/năm. Dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
        Mặt khác, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân đối về các chất dinh dưỡng (nhiều thịt, mỡ động vật, ít rau xanh và hoa quả) của người Việt làm gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như: thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gút, rối loạn mỡ máu…
        Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một chế độ ăn có thể cung cấp đủ năng lượng và các chất thiết yếu cho hoạt động hàng ngày. Thông điệp truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” tập trung vào các nội dung:
       -  Phát triển vườn –ao–chuồng để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn;
     - Tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường đảm bảo đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng;
      - Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện về tầm vóc và trí tuệ; 
    - Đồng thời lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, bảo đảm an toàn trong chế biến và bảo quản;
     - Đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng;
     - Sử dụng nước sạch an toàn trong ăn uống, sinh hoạt.

     -  Uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể.



 

Nguồn tin: Khoa Dinh Dưỡng thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây