Hướng dẫn về tổ chức thực hiện chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi năm 2023 ( Theo Quyết định số 562/QĐ-VDD ngày 28/5/2023 của Viện Dinh dưỡng)

Thứ ba - 30/05/2023 22:03

Hướng dẫn về tổ chức thực hiện  chiến dịch bổ sung vitamin A  cho trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi năm  2023       ( Theo Quyết định số 562/QĐ-VDD ngày 28/5/2023 của Viện Dinh dưỡng)

Thiếu Vitamin A là tình trạng bệnh lý gây suy giảm một số chức năng của cơ thể bao gồm chức năng thị giác, tăng trưởng, biệt hóa tế bào, miễn dịch, sinh sản. Thiếu Vitamin A biểu hiện lâm sàng và tiền lâm sàng ở các mức độ nặng, trung bình, nhẹ đều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
I. Đại cương về Vitamin A.
       Thiếu Vitamin A là tình trạng bệnh lý gây suy giảm một số chức năng của cơ thể bao gồm chức năng thị giác, tăng trưởng, biệt hóa tế bào, miễn dịch, sinh sản. Thiếu Vitamin A biểu hiện lâm sàng và tiền lâm sàng ở các mức độ nặng, trung bình, nhẹ đều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
       Thiếu Vitamin A biểu hiện trên lâm sàng và cận lâm sàng như sau:
- Khô mắt: Bao gồm tất cả các tổn thương bệnh lý ở mắt như tổn thương kết mạc, giác mác, võng mạc.
- Vitamin A (chỉ số retinol) huyết thanh thấp.
        Nguyên nhân thiếu Vitamin A: Do khẩu phần ăn thiếu Vitamin A, cơ thể người bệnh tăng sử dụng Vitamin A khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp…), suy dinh dưỡng protein năng lượng, một số trường hợp do giảm khả năng hấp thu Vitamin A do các nguyên nhân khác nhau.
       Trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi có nguy cơ cao thiếu Vitamin A, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển, tăng trưởng và tình trạng sức khỏe, việc bổ sung Vitamin A liều cao tại các tỉnh khó khăn, vùng mà trẻ em có khẩu phần ăn thiếu Vitamin A theo chiến dịch hàng năm là rất cần thiết để bổ sung lượng Vitamin A cho cơ thể; bổ sung Vitamin A giúp làm giảm 23% tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
Ảnh minh họa
II. Cơ chế tác dụng của Vitamin A.
      Vitamin A cần thiết cho chức năng nhìn, phát triển cơ thể, bảo vệ toàn vẹn của biểu mô và sự phân bào, miễn dịch:
      - Vitamin A rất cần cho chức năng nhìn, thiếu Vitamin A sẽ gây ra hiện tượng quáng gà (trẻ không nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu), nếu thiếu Vitamin A ở mức nặng sẽ gây tổn thương giác mạc mắt, gây mù lòa vĩnh viễn.
      - Khi bị thiếu Vitamin A, trẻ bị chậm phát triển về thể chất hơn so với những trẻ bình thường cùng lứa tuổi.
      - Vitamin A có vai trò biệt hóa tế bào. Khi thiếu Vitamin A, các tế bào biểu mô sẽ bị sừng hóa, các nhung mao bị thưa và mất đi. Vì vậy, trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng trong ruột và rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.
      - Vitamin A có vai trò miễn dịch. Thiếu Vitamin A, trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và thường kéo dài hơn. Thiếu Vitamin A làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em.
III. Đối tượng, liều dùng và phạm vi triển khai bổ sung vitamin A.
1. Đối tượng
        - Trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi tại 22 tỉnh khu vực miền núi, những tỉnh nghèo, khó khăn, có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao và thiếu Vitamin A ở trẻ em cao (danh sách kèm theo).
       - Trẻ em từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi tại 41 tỉnh còn lại là những tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em mức trung bình (danh sách kèm theo).
     - Cách tính tuổi:
      +Trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 6 tháng đến 59 tháng và 29 ngày tuổi.
      +Trẻ em từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 6 tháng đến 35 tháng và 29 ngày tuổi.
      + Trẻ em từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi được tính từ khi trẻ tròn 6 tháng đến 11 tháng và 29 ngày tuổi.
2.Liều dùng:
       Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2011 về bổ sung Vitamin A cho đối tượng trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi như sau:
       - Trẻ từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi: Uống 1 viên hàm lượng 100.000 IU/lần, liều duy nhất, uống 4-6 tháng/lần.
       - Trẻ từ 12 tháng đến 59 tháng tuổi: Uống 1 viên hàm lượng 200.000 IU/lần, uống 4-6 tháng/lần.
      - Trẻ từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn gây nguy cơ thiếu Vitamin A (tiêu chảy kéo dài, nhiễm khuẩn hô hấp cấp), trẻ bị suy dinh dưỡng nặng: Nếu trẻ đã được uống Vitamin A theo chiến dịch trong vòng 1 tháng trước đó thì không cho trẻ uống thêm. Nếu trẻ đã được uống Vitamin A theo chiến dịch trên 1 tháng trước đó thì có thể uống thêm 1 liều dự phòng theo độ tuổi.
       -Trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc sởi, cần cho trẻ uống Vitamin A theo quyết định 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi.
3. Chống chỉ định:
- Trẻ đang đau bụng, sốt cao (>38,5 0C)
- Đang bị bệnh bệnh mạn tính: tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản.
- Có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc
4. Thời gian, địa điểm triển khai
4.1.Thời gian tổ chức chiến dịch
- Đợt 1: Trong tháng 6 năm 2023
- Đợt 2: Trong tháng 12 năm 2023
4.2. Địa điểm triển khai: Trạm y tế xã/phường.
IV. Lập kế hoạch xác định nhu cầu bổ sung vitamin A.
1. Nguyên tắc
- Chỉ tiêu uống Vitamin A cần đạt tối thiểu 98% đối tượng.
- Để đảm bảo đủ viên Vitamin A trong quá trình triển khai, các tỉnh cần lập kế hoạch cung ứng Vitamin A hàng năm bao gồm ước tính nhu cầu số lượng Vitamin A, đề xuất bố trí kinh phí và thực hiện cung ứng Vitamin A theo các quy định hiện hành.
- Nhu cầu Vitamin A cần cung cấp hàng năm dựa vào số đối tượng được xác định cần bổ sung Vitamin A, số lượng tồn kho tại các tuyến để xác định số lượng Vitamin A tỉnh/thành phố tự mua hoặc xin tiếp nhận viện trợ (nếu có).
- Đề xuất kế hoạch nhu cầu Vitamin A của năm sau được thực hiện vào tháng 7 hàng năm của năm trước, báo cáo Sở Y tế và các đơn vị liên quan để bố trí ngân sách triển khai.
2. Xác định nhu cầu Vitamin A hàng năm
 Nhu cầu Vitamin A hàng năm cho 2 đợt chiến dịch được tính như sau:
2.1. Số lượng Vitamin A 100.000 IU
- Số viên nang Vitamin A 100.000 IU cần cho 01 năm = Số trẻ em từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi x 02 viên + 10% dự phòng - Số tồn của năm trước.
- Số trẻ em 6 tháng đến 11 tháng tuổi gồm:
+ Số trẻ em 6 tháng đến 11 tháng tuổi được quản lý tại địa phương.
+ Số trẻ em 6 tháng đến 11 tháng tuổi có nguy cơ thiếu Vitamin A do bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng cấp tính.
+ Số trẻ em 6 tháng đến 11 tháng tuổi vãng lai tại địa bàn.
2.2 Số lượng Vitamin A 200.000 IU
- Số viên nang Vitamin A 200.000 IU cần cho 01 năm = Số trẻ em từ 12 tháng đến 59 tháng tuổi x 02 viên + 10% dự phòng - Số tồn của năm trước.
- Số trẻ em 12 tháng đến 59 tháng tuổi gồm:
+ Số trẻ em 12 tháng đến 59 tháng tuổi được quản lý tại địa phương.
+ Số trẻ em 12 tháng đến 59 tháng tuổi có nguy cơ thiếu Vitamin A do bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng cấp tính.
+ Số trẻ em 12 tháng đến 59 tháng tuổi vãng lai tại địa bàn.
V. Bảo quản viên nang Vitamin A
- Viên nang Vitamin A cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nhiệt độ trên 300C, độ ẩm trên 65%, tránh ánh sáng. Luôn đậy nắp lọ kín khi không dùng đến. Tránh xa tầm tay của trẻ em.
- Trong thời gian bảo quản cần kiểm tra định kỳ, nếu phát hiện có lô viên nang Vitamin A bị hỏng, mốc hoặc quá hạn sử dụng thì làm thủ tục hủy theo quy định về bảo quản, xử lý thuốc hỏng, thuốc hết hạn.
VI. Triển khai ngày bổ sung vitamin A
1. Công tác chuẩn bị
1.1 Cấp tỉnh/ huyện
- Lập kế  hoạch triển khai uống Vitamin A: Ban chỉ đạo tỉnh, huyện chỉ đạo lập kế hoạch và tổ chức hội nghị,họp triển khai, tập huấn phổ biến kế hoạch cho tuyến dưới và các ban, ngành trong tỉnh, huyện. Công tác chuẩn bị được bắt đầu trước khi cho uống Vitamin A ít nhất 2 tuần.
-  Phân phối viên nang Vitamin A, biểu mẫu và tài liệu truyền thông: Trung tâm Y tế huyện nhận viên nang Vitamin A và các tài liệu hướng dẫn, tập huấn, theo dõi, đánh giá uống Vitamin A của chương trình từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật và tiến hành phân phối cho các xã, phường, thị trấn xong trước ngày triển khai uống Vitamin A ít nhất là 1 tuần.
1.2 Cấp xã
- Lập kế hoạch tiến hành uống Vitamin A cho trẻ em, báo cáo chính quyền địa phương.
- Phổ biến nội dung, cách tổ chức triển khai ngày uống Vitamin A đồng loạt ở xã cho các thành viên, ban văn hóa thông tin xã, hội phụ nữ xã…
- Tổ chức họp Ban chỉ đạo của xã và phổ biến nội dung tổ chức triển khai tới cộng tác viên, bộ phận thông tin của xã và các đoàn thể, phân công trách nhiệm cụ thể.
* Nhiệm vụ của Trạm Y tế xã:
- Tập huấn lại cho nhân viên y tế xã, y tế thôn bản, cán bộ Hội phụ nữ, cô nuôi dạy trẻ về Vitamin A và phương pháp điều trị (chỉ định, chống chỉ định, tác dụng đặc hiệu và tác dụng phụ của Vitamin A, cách theo dõi...).
- Tập hợp danh sách, lập dự trù cơ số Vitamin A.
* Nhiệm vụ của cộng tác viên, y tế thôn bản:
- Thống kê lập danh sách trẻ em đầy đủ: Danh sách trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi tính tới thời điểm cho uống Vitamin A. Danh sách trẻ em được lập theo cụm uống Vitamin A
1.3. Công tác truyền thông
Các hoạt động truyền thông cần được triển khai sớm, liên tục trong một tuần trước ngày cho uống Vitamin A trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, tỉnh, huyện và xã/ phường/ thị trấn trên cơ sở các nội dung được hướng dẫn, thay đổi hình thức cho phù hợp theo từng địa phương, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc ít người.
- Treo băng rôn, khẩu hiệu tại các điểm uống Vitamin A và tại nơi công cộng hoặc các trục đường chính. Nội dung băng rôn, khẩu hiệu nói rõ việc đưa trẻ đi uống Vitamin A, đối tượng và thời gian được uống Vitamin A.
- Tiến hành truyền thông lưu động để khuyến khích bà mẹ và gia đình đưa trẻ đi uống Vitamin A.
- Truyền thông trên loa truyền thanh hoặc đài truyền hình địa phương về mục đích và việc cần thiết của bổ sung vi chất, đặc biệt là cho trẻ uống Vitamin A ở các xã/phường.
- Nội dung thông điệp truyền thông cần nêu rõ đối tượng trẻ em cần được uống Vitamin A, nêu được tác dụng của bổ sung Vitamin A.
1.4 Giám sát
Giám sát nhằm hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời các hoạt động tại các tuyến trong quá trình triển khai bổ sung Vitamin A tại cộng đồng.
2. Công tác triển khai
2.1.Tuyến tỉnh/ huyện
- Cử cán bộ tham gia chỉ đạo và giám sát việc triển khai cho trẻ uống Vitamin A tại các huyện và xã trong tỉnh.
- Cử cán bộ trực tại Trung tâm y tế huyện 24/24 giờ, trong 2 ngày kể từ ngày cho uống Vitamin A để giải quyết những vấn đề có liên quan đến uống Vitamin A có thể xảy ra, để kịp thời xử trí và báo cáo lên tuyến trên. Cán bộ trực có trách nhiệm kiểm tra và kiểm soát mọi thông tin về uống Vitamin A và chỉ đạo báo cáo cho người có trách nhiệm.
2.2.Tuyến xã
- Ban chỉ đạo của xã và đại diện Hội phụ nữ… cần có mặt tại điểm cho uống Vitamin A trong ngày cho uống để theo dõi, chỉ đạo mọi hoạt động.
- Trạm y tế xã chịu trách nhiệm về chuyên môn (chỉ định, chống chỉ định điều trị, theo dõi trong quá trình cho uống).
- Thời gian cho uống: Mỗi xã tổ chức bổ sung Vitamin A từ 1 - 2 ngày và dành 1 ngày cuối để tổ chức cho trẻ uống vét. Cộng tác viên nên mời trẻ đến uống theo các khung giờ khác nhau để tránh ùn ứ.
- Địa điểm cho uống: Mỗi xã bố trí điểm uống Vitamin A phù hợp và thuận tiện cho các gia đình đưa trẻ đến uống. Một số địa điểm có thể tổ chức điểm uống: trạm y tế, nhà văn hóa ấp/thôn, trường mầm non…
- Bố trí điểm uống Vitamin A: Tại mỗi điểm cho uống Vitamin A cần bố trí như sau:
+ Bàn 1: Tiếp nhận đối tượng (có danh sách trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi (hoặc từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi) được lập sẵn từ tổ dân phố/thôn/ấp/bản, khám sàng lọc để loại trừ những trẻ không thuộc đối tượng được uống, phân loại nhóm tuổi, hướng dẫn đến bàn uống Vitamin A.
+ Bàn 2: Cho trẻ uống Vitamin A: Tiếp nhận giấy mời, có danh sách đối tượng; Có dán chỉ dẫn về liều dùng, đối tượng uống và cách uống; Có đủ Vitamin A, kéo, ly uống nước, dụng cụ đựng rác; nhân viên y tế trực tiếp cho trẻ uống Vitamin A: thông báo cho bà mẹ hoặc người chăm sóc trẻ biết trẻ được uống Vitamin A và tác dụng của việc uống Vitamin A.
+ Bàn 3: Phục vụ cho công tác truyền thông, phát tờ rơi cho các bà mẹ. Tại đây, các bà mẹ có thể hỏi và được giải thích các nội dung về phòng chống thiếu Vitamin A.
* Chuẩn bị cho trẻ uống Vitamin A:
- Cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống Vitamin A phải mặc áo blouse, trang phục, đầu tóc gọn gàng, chỉnh tề.
- Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ phục vụ cho trẻ uống Vitamin A: kéo, nước uống, ly, bàn ghế, găng tay.
- Trước khi cho uống, cán bộ y tế/ cộng tác viên/ người có trách nhiệm nhắc lại cho bà mẹ/người chăm sóc trẻ em về tác dụng của Vitamin A, hướng dẫn tự theo dõi con em mình sau khi uống Vitamin A.
* Kỹ thuật cho uống Vitamin A:
- Đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi: giữ viên nang bằng ngón trỏ và ngón cái, dùng kéo cắt đầu núm của viên nang rồi bóp dịch Vitamin A vào miệng trẻ, sau đó, cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng.
- Đối với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên: cho trẻ nhai hoặc nuốt viên nang rồi cho uống nước.
* Một số lưu ý trong quá trình cho uống viên nang Vitamin A:
- Trường hợp uống 1/2 viên: Đối với trẻ từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi, nếu dùng viên nang 200.000 IU thì cho trẻ uống một nửa viên, tương đương 3-4 giọt, tùy theo vị trí cắt viên nang Vitamin A (nếu cắt sát đầu núm thì một viên nang 200.000 IU bóp ra được khoảng 8 giọt, nếu cắt ở giữa đầu núm được khoảng 6 giọt). Cần sắp xếp cho 2 trẻ uống chung 1 viên.
- Trẻ không nuốt Vitamin A: Nếu trẻ khóc, không nuốt Vitamin A, nhân viên y tế có thể cho trẻ uống bù theo lượng Vitamin A ước tính tương đương lượng Vitamin A trẻ đã nhổ ra.
- Đảm bảo vệ sinh: Người cho trẻ uống Vitamin A cần đảm bảo vệ sinh khi cho trẻ uống, cần đeo găng tay y tế khi cầm viên Vitamin A chuẩn bị và cho trẻ uống. Khay đựng Vitamin A, kéo dùng để cắt viên Vitamin A cần được khử trùng sạch sẽ. Người cho trẻ uống Vitamin A hạn chế tối đa chạm tay vào trẻ.
- Uống nước sau khi uống Vitamin A: cần đảm bảo vệ sinh thìa, cốc khi cho trẻ uống nước tráng miệng để tránh các bệnh lây nhiễm qua đường miệng (tốt nhất nên sử dụng cốc uống nước và thìa dùng một lần). Nếu nơi nào không có điều kiện đảm bảo vệ sinh (rửa, tráng nước sôi) thì không nhất thiết phải cho trẻ uống nước tráng miệng.
- Cần ghi chép đầy đủ số lượng trẻ uống Vitamin A, số trẻ chống chỉ định của từng thôn/bản/ấp/tổ dân phố. Số trẻ vắng mặt hoặc chống chỉ định tạm thời có thể cho uống sau vào ngày uống vét của địa phương.
* Bảo đảm an toàn khi dùng viên nang Vitamin A:
- Luôn đảm bảo an toàn khi dùng viên nang Vitamin A liều cao: viên nang của chương trình hiện đang sử dụng không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Nếu có triệu chứng như buồn nôn, đau đầu, khó chịu thì các triệu chứng này cũng tự hết trong vòng 48 giờ và không gây ảnh hưởng gì.
- Trước khi dùng Vitamin A, bao giờ cũng phải kiểm tra hạn sử dụng của thuốc được ghi trên vỏ lọ, không dùng thuốc đã hết hạn hoặc bị hỏng, mốc. Trường hợp nếu dùng lọ vỏ cũ hoặc dùng vỏ lọ thuốc khác để đựng viên nang Vitamin A mới thì phải xóa bỏ nhãn lọ cũ, ghi lại tên thuốc, hàm lượng và hạn sử dụng mới lên vỏ lọ.
- Không dùng quá liều Vitamin A đã quy định.
- Tuyệt đối KHÔNG cho bà mẹ đang mang thai uống Vitamin A liều cao.
3. Theo dõi sau ngày uống Vitamin A
Viên nang Vitamin A sử dụng an toàn hiệu quả. Tuy nhiên, một tỷ lệ rất nhỏ có thể có biểu hiện tác dụng phụ: đau đầu, buồn nôn và tiêu chảy. Tác dụng phụ thường thoáng qua và phần lớn tự mất đi mà không cần xử trí. Việc theo dõi sau uống Vitamin A cần được thực hiện nghiêm túc để đánh giá việc sử dụng Vitamin A cũng như xử trí kịp thời các trường hợp có biểu hiện tác dụng phụ. Việc theo dõi nên được thực hiện bởi cha mẹ/người chăm sóc trẻ với sự trợ giúp của cán bộ y tế.
3.1. Người chăm sóc trẻ
      Theo dõi tình trạng của trẻ sau khi uống Vitamin A, nếu chỉ có tác dụng phụ thoáng qua như đau bụng, nhức đầu nhẹ sẽ tự mất đi sau ít giờ mà không cần xử trí. Nếu có các tác dụng phụ biểu hiện nhiều hơn như đau bụng nhiều, nôn mửa liên tục, dị ứng cần đưa trẻ em đến cơ sở y tế.
3.2.Trạm y tế xã/ phường
- Cử cán bộ trực tại trạm 24/24 giờ trong 2 ngày sau khi uống Vitamin A để xử trí các trường hợp có tác dụng phụ cần đến sự trợ giúp của y tế.
- Tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ em sau khi uống Vitamin A 4 ngày để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của Vitamin A.
4. Ghi chép và báo cáo
4.1.Ghi chép, theo dõi
- Trẻ em 6 tháng đến 59 tháng tuổi: sử dụng “Phiếu theo dõi uống Vitamin A tại xã/phường” để lập danh sách và theo dõi cấp phát Vitamin A. Lập danh sách riêng cho trẻ em 6 tháng đến 11 tháng tuổi và 12 tháng đến 59 tháng tuổi. Khi kết thúc chiến dịch, trạm Y tế xã/phường tổng hợp làm báo cáo theo mẫu quy định của chương trình (Phụ lục 1). Sau đó, ghi chép số lần uống Vitamin A của trẻ vào sổ quản lý trẻ uống Vitamin A của từng thôn/bản/ấp/tổ dân phố.
- Trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi bị các bệnh có nguy cơ thiếu Vitamin A: theo dõi cấp Vitamin A vào “sổ khám chữa bệnh”
4.2. Báo cáo:
Ngay sau khi kết thúc cho uống Vitamin A, các cấp tổng hợp và làm báo cáo theo mẫu quy định và gửi ngay lên cấp trên, có bản lưu tại từng cấp./.

                                                                                                               

Nguồn tin: Khoa Dinh Dưỡng thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây