Sở Y tế Nghệ An triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và đảm bảo công tác khám, chữa bệnh sau mưa lũ, ngập úng
Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Nghệ Anhttps://cdcnghean.vn/uploads/text-07.png
Thứ năm - 24/07/2025 00:01
Trước tình trạng ngập úng, sạt lở, đặc biệt tại địa bàn các xã thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (cũ), nhiều khu vực ngập sâu, một số nơi ngập đến mái nhà; nhiều bản làng bị cô lập do nước sông dâng cao và các tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập, sạt lở, Sở Y tế có Công văn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và đảm bảo công tác khám, chữa bệnh sau mưa lũ, ngập úng.
Do ảnh hưởng sau bão số 3, khu vực miền tây tỉnh Nghệ An đã xuất hiện tình trạng ngập úng, sạt lở, đặc biệt tại địa bàn các xã thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (cũ), nhiều khu vực ngập sâu, một số nơi ngập đến mái nhà; nhiều bản làng bị cô lập do nước sông dâng cao và các tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập, sạt lở. Trước tình hình trên để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và đảm bảo công tác khám, chữa bệnh sau mưa lũ, ngập úng, ngày 23/7/2025, Sở Y tế có Công văn số 3149/SYT-NVY, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
1. Chủ động rà soát, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ, ngập úng; sẵn sàng phương án xử lý khi có tình huống phát sinh. Tăng cường các đội cơ động phòng, chống dịch bệnh hỗ trợ tuyến dưới trong việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng trong và sau mưa lũ.
2. Bố trí ngay nhân lực, đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị và vật tư cần thiết để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương bị ảnh hưởng. Tổ chức vệ sinh môi trường theo phương châm “nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó”, xử lý môi trường, thu gom và chôn lấp xác động vật theo đúng hướng dẫn, sử dụng vôi bột và hóa chất khử khuẩn nhằm ngăn chặn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Khẩn trương tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng tại các vùng nguy cơ cao
Hình ảnh bệnh nhân và người nhà bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế Tương Dương được di dời bằng thuyền
3. Tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và qua các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn cụ thể cho người dân về nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm và cách phòng tránh các bệnh thường gặp trong và sau mưa lũ như tiêu chảy, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…
4. Tăng cường giám sát tại các khu vực bị ảnh hưởng, nhất là tại các điểm sơ tán tập trung và vùng bị cô lập, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh phát sinh như: tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, bệnh ngoài da, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt chú ý các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn…
5. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương rà soát, khắc phục ngay các thiệt hại sau mưa lũ, đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh không bị gián đoạn. Thực hiện nghiêm túc phương án tổ chức cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn theo chỉ đạo tại Công văn số 3188/SYT-NVY ngày 22/7/2025 của Sở Y tế
6. Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt, ngập úng; hướng dẫn người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm bị ngâm nước, ô nhiễm hoặc bị hư hỏng, ôi thiu, không rõ nguồn gốc; tuyên truyền các biện pháp lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn; chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, phương tiện sẵn sàng xử lý kịp thời khi có tình huống ngộ độc thực phẩm xảy ra, đồng thời thực hiện nghiêm quy trình điều tra, báo cáo các vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định.
7. Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị thường trực, tiếp nhận và tổng hợp tình hình dịch bệnh, vệ sinh môi trường từ các địa phương; sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, thuốc, hóa chất, vật tư cho các địa phương khi cần thiết, đặc biệt trong tình huống xảy ra dịch bệnh diện rộng
8. Các đơn vị nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo nhanh, chính xác, đầy đủ về tình hình dịch bệnh theo đúng quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, đảm bảo kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Nhận được Công văn này yêu cầu Giám đốc các đơn vị chỉ đạo triển khai nghiêm túc và kịp thời.