BỆNH VIỆN ĐÀ NẴNG: BẮT SÁN LÁ GAN LỚN BẰNG NỘI SOI NGƯỢC DÒNG

Thứ ba - 10/11/2020 20:58
Sán lá gan lớn gây áp xe gan khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng sán lá gan lớn ở trong ống mật chủ rất hiếm gặp, đặc biệt là sán còn sống. Mới đây, một bệnh nhân gặp phải tình trạng này đã được các bác sĩ trong ê-kíp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) - Bệnh viện Đà Nẵng bắt 02 con sán lá gan lớn còn sống trong ống mật chủ.
Sán lá gan lớn gây áp xe gan khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng sán lá gan lớn ở trong ống mật chủ rất hiếm gặp, đặc biệt là sán còn sống. Mới đây, một bệnh nhân gặp phải tình trạng này đã được các bác sĩ trong ê-kíp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) - Bệnh viện Đà Nẵng bắt 02 con sán lá gan lớn còn sống trong ống mật chủ.

          Bệnh nhân Huỳnh Thị T. (64 tuổi), ở Đại Lộc (Quảng Nam) bị đau bụng, sốt rét run 390C, đau hạ sườn phải, nôn ra dịch. Qua thăm khám và chụp CT-Scan ổ bụng, các bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng phát hiện bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ - nhiễm trùng đường mật, chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi (ERCP) ngày 02/11. 
          Khi tiến hành nội soi ngược dòng, đưa dụng cụ vào đường mật bệnh nhân và chụp hình đường mật qua ERCP, phát hiện sán lá gan lớn trong ống mật chủ và tiến hành bắt sán lá gan lớn qua nội soi. Đây là kỹ thuật tiên tiến và rất khó.
          Sau can thiệp ERCP, các bác sĩ đã gắp ra được 02 con sán lá gan lớn còn sống (dài 30 mm, ngang 10 mm) ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Bệnh nhân T. sau đó tiếp tục dùng thuốc điều trị đặc hiệu để diệt những trứng sán còn tiềm ẩn trong người. Sau nội soi can thiệp, bệnh nhân hồi phục, tỉnh táo, hết nôn, hết đau hạ sườn phải.
 
1111207
Bệnh nhân đã được lấy sán lá gan trong ống mật chủ

          Theo y văn thế giới, người bị nhiễm sán lá gan lớn trong đường mật chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu gặp giun đũa chui lên ống mật chủ. Việt Nam cũng ghi nhận 02 trường hợp có sán lá gan lớn trong ống mật chủ tại Thừa Thiên Huế (2012) và Đồng Nai (2018) được lấy bằng phương pháp phẫu thuật. Đây là trường hợp sán lá gan lớn còn sống trong ống mật chủ đầu tiên tại Bệnh viện Đà Nẵng và được bắt qua nội soi mật tụy ngược dòng, BS.CKI Nguyễn Xuân Tuấn, người trực tiếp can thiệp cho bệnh nhân cho biết.
          Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, ở trâu bò, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da... (ký sinh lạc chỗ). Sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng xuống nước, nở ra ấu trùng lông và ký sinh trong ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau mọc dưới nước tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc trâu bò ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.
          Khi ăn phải những loại này thì ký sinh trùng sán lá gan sẽ đi vào ruột rồi vào gan, phổi, não tạo áp-xe hoặc di chuyển xuống đường mật trú ngụ. Tuổi thọ của sán lá gan lớn ở người là từ 9-13,5 năm.
          “Để tránh bị nhiễm sán lá gan, người dân nên ăn chín uống sôi. Ở những vùng dịch tễ của sán lá gan lớn, đặc biệt là miền Trung – Việt Nam, người dân cần hết sức cẩn thận và rửa thật kỹ khi ăn các loại rau ngập nước như: rau ngổ, rau rút/nhút, rau cần, cải xoong...”, bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn khuyến cáo.
Phan Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây