Đôi mắt của trẻ em dưới 6 tuổi chưa phát triển hoàn thiện, khiến chúng dễ bị tác động bởi ánh sáng xanh. Do đó, khi trẻ tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, nguy cơ suy giảm thị lực tăng cao, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mắt của trẻ trong giai đoạn phát triển quan trọng này.
Bài viết được tham vấn chuyên môn từ BS.CKI. Hà Như Quỳnh - BS Nhãn Khoa tại Bệnh viện Mắt Prima Sài Gòn thuộc tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn vì sao ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử gây suy giảm thị lực ở trẻ?
Ánh sáng xanh (blue light) là một phần quang phổ ánh sáng mắt nhìn được trong khoảng màu từ xanh lam đến xanh tím. Nó có bước sóng ngắn từ 380nm đến 500 nm (nanômét) và năng lượng cao. Ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại di động, laptop, TV và đèn LED có năng lượng cao hơn các loại ánh sáng khác, có thể không tốt cho sức khỏe, nhất là đối với mắt của trẻ em .
Võng mạc trẻ nhỏ dễ bị tổn thương bởi ánh sáng xanh
Cơ chế gây hại của ánh sáng xanh là khả năng tạo ra các gốc tự do khi nó tiếp xúc với các tế bào nhạy cảm của võng mạc, gây ra stress oxy hóa. Võng mạc là phần quan trọng nhất của mắt, chịu trách nhiệm chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu thị giác. Sự gia tăng stress oxy hóa từ ánh sáng xanh có thể làm tổn thương, hoặc thậm chí giết chết các tế bào võng mạc, dẫn đến suy giảm thị lực khó hồi phục.
Mắt trẻ em dưới 6 tuổi chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt là thủy tinh thể. Cụ thể, thủy tinh thể của trẻ em không lọc được ánh sáng xanh một cách hiệu quả, khiến phần lớn ánh sáng có bước sóng ngắn này dễ dàng đi sâu vào mắt và tiếp cận võng mạc. Khi ánh sáng xanh xâm nhập vào võng mạc, nó có thể gây ra tổn thương oxy hóa cho các tế bào võng mạc, làm tăng nguy cơ suy thoái các tế bào võng mạc.
Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh không chỉ gây ra nguy cơ tổn thương võng mạc mà còn cản trở quá trình phát triển thị lực của trẻ. Trong những năm đầu đời, mắt trẻ em cần được bảo vệ tốt để hoàn thiện các chức năng và cấu trúc, nhằm đảm bảo phát triển thị lực khỏe mạnh. Việc sử dụng thiết bị điện tử không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề thị lực ngay từ nhỏ, khiến trẻ dễ mắc các vấn đề như cận thị hoặc suy giảm thị lực sớm.
Lợi ích của Lutein và Zeaxanthin trong việc bảo vệ đôi mắt trước tác hại của ánh sáng xanh
Một trong những tác hại đáng chú ý của ánh sáng xanh là sự ảnh hưởng đến thủy tinh thể và giác mạc. Theo nghiên cứu của Viện Nhãn khoa Quốc gia (NEI), sự tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh có thể khiến gia tăng nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể và khô giác mạc, làm giảm chất lượng cuộc sống và khả năng nhìn rõ của người dùng.
Ánh sáng xanh cũng tạo ra các gốc tự do, gây ra stress oxy hóa cho võng mạc. Khi ánh sáng xanh tiếp xúc với các tế bào nhạy cảm của võng mạc, nó có thể gây tổn thương và làm suy giảm chức năng của võng mạc, dẫn đến các bệnh lý như thoái hóa điểm vàng, khiến thị lực suy giảm và khó phục hồi.
Tác hại thứ ba của ánh sáng xanh là gây ra các tật khúc xạ, cụ thể là cận thị. Nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tật khúc xạ, đặc biệt là ở trẻ em – đối tượng có thị lực vẫn đang trong giai đoạn phát triển .
Để bảo vệ mắt khỏi những tác hại này, một giải pháp hiệu quả là bổ sung Lutein và Zeaxanthin vào chế độ ăn uống. Lutein và Zeaxanthin là hai loại carotenoid có khả năng hấp thụ ánh sáng xanh và bảo vệ võng mạc khỏi tổn thương oxy hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung Lutein và Zeaxanthin có thể giúp giảm tác hại của ánh sáng xanh và cải thiện sức khỏe mắt.
Phạm Hường (theo báo SK&ĐS)