Dịch đau mắt đỏ tăng cao với triệu chứng nặng nề hơn, Nghệ An cấp tập phòng chống

Thứ hai - 25/09/2023 21:14
Theo thống kê của ngành y tế Nghệ An thì, năm 2023 tỷ lệ mắc bệnh đau mắt đỏ tăng rất cao so với các năm, đặc biệt biệt vào dip học sinh tựu trường. Các triệu chứng nặng nề hơn với nhiều bệnh nhân có xuất huyết kết mạc và biến chứng trên giác mạc… ngành y tế đẩy mạnh công tác phòng, chống.

Theo thống kê của ngành y tế Nghệ An thì, năm 2023 tỷ lệ mắc bệnh đau mắt đỏ tăng rất cao so với các năm, đặc biệt biệt vào dip học sinh tựu trường. Các triệu chứng nặng nề hơn với nhiều bệnh nhân có xuất huyết kết mạc và biến chứng trên giác mạc… ngành y tế đẩy mạnh công tác phòng, chống.

Dịch đau mắt đỏ có xu hướng tăng, Nghệ An đẩy mạnh phòng chống - Ảnh 1.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận từ 20-30 trẻ đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ

Dịch đau mắt đỏ có xu hướng tăng đột biến

Theo báo cáo của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, 2 tháng nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 20-30 trẻ đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Tương tự, tại Bệnh viện Mắt Nghệ An, mỗi ngày có 100-120 bệnh nhân đến khám ngoại trú thì có tới 30-40 bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Theo thống kê của Khoa Khám bệnh bệnh viện này, thì trong vòng 4 ngày (từ 18 đến 21/9), có 168 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám, chiếm 30% số bệnh nhân đến khám bệnh ngoại trú tại viện.

"Tỷ lệ bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện tuyến huyện còn cao hơn bởi Bệnh viện Mắt Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh chuyên tiếp nhận ca nặng có giấy chuyển tuyến đến. Người bị đau mắt đỏ có biến chứng mới đến khám. Người bị đau mắt đỏ nhẹ thường không đi khám ở bệnh viện do không được hưởng bảo hiểm.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, từ ngày 18/9 - 21/9/2023, Bệnh viện Mắt Nghệ An cử đoàn công tác khám sàng lọc phòng chống mù lòa tại 12 xã trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An). Trong 4 ngày, đoàn đã khám cho 1.412 người và phát hiện có tới 282 người bị đau mắt đỏ tại cộng đồng, chiếm tỷ lệ 20%. Một số xã có tỷ lệ cao như xã Đại Đồng có tới 51 người bị đau mắt đỏ/ 212 người đến khám… Khám tại các huyện khác, đoàn công tác của Bệnh viện Mắt Nghệ An cũng ghi nhận có khoảng 25% bệnh nhân đến khám mắt vì đau mắt đỏ". Bác sĩ Nguyễn Sa Huỳnh – Trưởng phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt Nghệ An cho hay.

Còn tại huyện Anh Sơn, ngoài các ổ dịch sốt xuất huyết chưa khống chế được, thì từ đầu năm 2023 đến ngày 22/9/2023, toàn huyện có 3.803 bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Trong số đó, số bệnh nhân trong 8 tháng đầu năm là 332 người và riêng tháng 9/2023 là 3.471 người; bệnh nhân chủ yếu là trẻ em dưới 6 tuổi với 2.368 người; 2/3 bệnh nhân điều trị tại nhà.

Theo các chuyên gia dịch tễ, thời gian gần đây, bệnh đau mắt đỏ đã bùng phát thành dịch ở một số tỉnh, thành phố trong nước. Tại Nghệ An, tỷ lệ mắc tăng rất cao so với các năm. Năm nay các triệu chứng nặng nề hơn với nhiều bệnh nhân có xuất huyết kết mạc và biến chứng trên giác mạc… 

Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là (viêm kết mạc cấp) rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xảy ra quanh năm, tuy nhiên vẫn thường có những đợt dịch bùng lên vào thời điểm hè – thu hoặc thu - đông. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Dịch đau mắt đỏ có xu hướng tăng, Nghệ An đẩy mạnh phòng chống - Ảnh 2.

Đẩy mạnh phòng chống, không để dịch lan rộng

Để phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, ngành y tế Nghệ An đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp. Bác sĩ Trần Tất Thắng – Giám đốc Bệnh viện Mắt Nghệ An cho biết: Thực hiện chức năng chữa bệnh, phòng bệnh về mắt ở tỉnh, Bệnh viện đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tăng cường công tác phòng chống và điều trị bệnh đau mắt đỏ; tuân thủ quy trình khám và điều trị bệnh lý đau mắt đỏ theo phác đồ Bộ Y tế; tư vấn bệnh nhân và người nhà về các biện pháp phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ; giám sát và theo dõi các ca bệnh, chuyển tuyến kịp thời các ca bệnh nặng.

Dịch đau mắt đỏ có xu hướng tăng, Nghệ An đẩy mạnh phòng chống - Ảnh 4.
Cán bộ y tế hướng dẫn cho giáo viên trường mầm non cách pha hóa chất Cloramin B khử khuẩn.

Trước đó, ngày 14/9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố Vinh tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca mắc tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường công tác truyền thông cho người dân, đặc biệt tại nơi làm việc, các cơ sở giáo dục, khuyến cáo người dân (đặc biệt là trẻ em) thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho hay: Trung tâm đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho hệ thống y tế cơ sở về phát hiện sớm các ca bệnh, giám sát, điều tra, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; hỗ trợ hóa chất Cloramin B khử khuẩn cho các địa phương để triển khai và xử lý ổ dịch triệt để.

Đồng thời, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tổ chức các đoàn kiểm tra công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ và các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình bệnh đau mắt đỏ và khẩn trương tham mưu Sở Y tế chỉ đạo xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch bệnh đau mắt đỏ tại trường học, cơ sở y tế, các hộ gia đình, nơi tập trung đông người, không để dịch lan rộng, kéo dài.

Dịch đau mắt đỏ có xu hướng tăng, Nghệ An đẩy mạnh phòng chống - Ảnh 5.
Cán bộ y tế tuyên truyền hướng dẫn cho trẻ vệ sinh cá nhân để phòng bệnh đau mắt đỏ

Để phòng, chống dịch hiệu quả hơn, trạm y tế các xã, phường, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc phát hiện, điều tra ca bệnh, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các lớp học bằng hóa chất CloraminB hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ... Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang khuyến cáo.

Liên quan đến việc điều trị bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Nguyễn Sa Huỳnh (Bệnh viện Mắt Nghệ An) cho hay: Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài trong khoảng hai tuần và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp diễn biến bất thường và có thể gây ra các biến chứng như: viêm kết mạc nặng có giả mạc, viêm giác mạc, trợt, loét giác mạc… phải nhập viện điều trị. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
 

Theo báo SK&ĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây