Trứng chứa protein chất lượng tốt và một số loại vitamin, khoáng chất thiết yếu cho chế độ ăn uống lành mạnh. Ở nước ta, trứng là thực phẩm dễ kiếm, rẻ tiền.
Trước đây, có một số tranh cãi về việc cholesterol trong trứng không tốt. Tuy nhiên, nếu ăn ở mức độ vừa phải, trứng rất tốt cho sức khỏe vì đây là nguồn cung cấp protein và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác, là một sự bổ sung lành mạnh cho chế độ ăn uống.
1. Lợi ích của việc ăn trứng
Nghiên cứu cho thấy trứng là thực phẩm bổ dưỡng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
- Protein trong trứng giúp duy trì, phục hồi các mô cơ thể, bao gồm cả cơ. Protein trong trứng giúp mọi người cảm thấy no lâu hơn. Điều này làm giảm cảm giác thèm ăn vặt, giảm lượng calo tổng thể của một người, giúp giảm cân.
- Trứng cũng chứa các vitamin và khoáng chất cần thiết cho não, hệ thần kinh hoạt động hiệu quả. Các chất dinh dưỡng trong trứng giúp tăng cường năng lượng. Vitamin A, vitamin B12, selen trong trứng là chìa khóa để duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Choline trong trứng đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy axit amin homocysteine (yếu tố có thể góp phần gây ra bệnh tim). Bên cạnh đó, trứng chứa folate, giúp ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh, chẳng hạn như tật nứt đốt sống...
- Lutein và zeaxanthin trong trứng giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, nguyên nhân chính gây mù lòa do tuổi tác. Các loại vitamin khác trong trứng cũng thúc đẩy thị lực tốt, giúp thúc đẩy làn da, mái tóc khỏe mạnh.
2. Các yếu tố nguy cơ khi ăn trứng
Mặc dù trứng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng việc tiêu thụ trứng hàng ngày cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ tiềm ẩn:
- Ăn quá nhiều trứng cũng gây khó chịu cho hệ tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, tiêu chảy, đau dạ dày, khó tiêu… ở một số người.
- Việc quá phụ thuộc vào trứng như một nguồn dinh dưỡng chính, dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng. Hơn nữa, tiêu thụ quá nhiều trứng dẫn đến tăng cân, do lượng chất béo bão hòa có trong trứng, có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Ngoài ra, trứng có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người không dung nạp trứng. Các triệu chứng bao gồm phát ban, hen suyễn, sổ mũi, nghẹt mũi, buồn nôn, nôn.
Theo Trường Y Harvard, nhiều năm trước, có ý kiến cho rằng không nên ăn quá một hoặc hai quả trứng mỗi tuần. Lý do là lượng cholesterol cao trong lòng đỏ trứng. Nhiều cholesterol, đặc biệt là cholesterol LDL (cholesterol xấu) trong máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do đó, việc tránh cholesterol trong chế độ ăn uống có vẻ hợp lý.
Nghiên cứu gần đây hơn phát hiện ra rằng, cholesterol trong chế độ ăn uống có ít ảnh hưởng đến mức cholesterol LDL toàn phần và "xấu" trong máu. Hầu hết cholesterol trong cơ thể không đến từ chế độ ăn uống mà được tạo ra bởi gan. Chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống có thể khiến gan tạo ra nhiều cholesterol.
Trong khi các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra câu trả lời nhất quán, thì một người khỏe mạnh trung bình có thể không bị tổn hại gì khi ăn tới bảy quả trứng mỗi tuần. Tuy nhiên, những người đã mắc bệnh tim hoặc cholesterol cao, nên giảm lượng trứng tiêu thụ. Trong từng trường hợp cụ thể, người bệnh tim mạch cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống được thiết kế phù hợp riêng cho các nhân.
Trứng thường được ăn cùng với các loại thực phẩm khác có nhiều muối, chất béo bão hòa, cholesterol, chẳng hạn như thịt xông khói, phô mai, bơ. Những thực phẩm này được biết là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, nên ăn hạn chế.
Ngoài ra, người bệnh tim mạch nên ăn một chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh để đảm bảo lượng chất xơ, chất chống oxy hóa, các vi chất dinh dưỡng đa dạng.
Việc bỏ qua sự cân bằng này có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt, chẳng hạn như lượng vitamin C, magiê hoặc axit béo omega-3 không đủ, đây là những chất thiết yếu tốt cho chức năng miễn dịch, sức khỏe tim mạch và sức khỏe nhận thức…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn