Nghệ An ứng phó với việc thiếu, thay đổi cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng

Thứ ba - 30/05/2023 21:54
Ở Nghệ An thời điểm hiện tại, có 2/13 vắc xin tiêm phòng cho trẻ đang bị thiếu. Đó là vắc xin “5 trong 1” và vắc xin DPT. Cụ thể, vắc xin “5 trong 1” hết từ tháng 2/2023 và vắc xin DPT hết từ tháng 4/2023.

Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, mỗi trẻ ở Nghệ An sau khi sinh sẽ được tiêm phòng miễn phí 3 mũi  vắc xin 5 in 1 ở các tháng thứ 2, thứ 3, thứ 4. Khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc lại bằng vắc xin DPT. Cả 2 loại vắc xin này nhằm ngăn ngừa trẻ mắc 5 loại bệnh hết sức nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Tuy nhiên, thời điểm này, việc tiêm 2 loại vắc xin nói trên cho trẻ ở Nghệ An đang bị ngừng lại do sự gián đoạn cung ứng vắc xin. Trung ương không có vắc xin để cung ứng cho tỉnh Nghệ An nói riêng và các tỉnh, thành khác trong cả nước nói chung… Việc gián đoạn cung ứng vắc xin này trước mắt sẽ gây ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng ở Nghệ An. Những đứa trẻ sau khi sinh nếu không được tiêm rất dễ mắc các bệnh nói trên. Và nếu tình trạng gián đoạn kéo dài sẽ có nhiều nguy cơ xuất hiện các ca bệnh và bùng phát thành dịch.

Anh-tin-bai
Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho con trẻ. Ảnh: Thành Chung

Nội dung gián đoạn cung ứng vắc xin “5 trong 1” và DPT được nêu tại Văn bản số 700/VSDTTƯ-TCQG về việc cung ứng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng năm 2023 ngày 20/4/2023 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố.

Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương dự kiến khả năng cung ứng các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng năm 2023 cho các địa phương là vắc xin "5 trong 1" cung ứng đến tháng 2/2023; vắc xin DPT cung ứng đến hết tháng 4/2023.

Ngoài ra, 11/13 loại vắc xin thuộc tiêm chủng mở rộng cũng sẽ dần bị gián đoạn. Các vắc xin phòng bệnh lao, viêm gan B, vắc xin uống phòng bại liệt, sởi, sởi – Rubella và viêm não Nhật Bản B chỉ được cung ứng đến tháng 7/2023; vắc xin uốn ván và vắc xin tiêm phòng bại liệt cung ứng đến tháng 12/2023.

Việc gián đoạn cung ứng vắc xin bắt nguồn từ việc đầu năm, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách, các địa phương sẽ cân đối khoản kinh phí sử dụng mua vắc xin tiêm chủng, triển khai đấu thầu mua sắm thay vì do Bộ Y tế mua như trước đây.

Trên cơ sở đó, ngày 3/4, Bộ Y tế ban hành Văn bản số 1810/BYT-KH-TC gửi các tỉnh/thành phố về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Các tỉnh cần thực hiện mua sắm vắc xin cho tiêm chủng mở rộng, vật tư tiêm chủng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác… theo quy định.

Anh-tin-bai

Danh mục Vắc xin cần mua năm 2023 và năm 2024. Ảnh: Thành Chung

Như vậy, từ đây, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động bố trí ngân sách để mua sắm vắc xin và vật tư tiêm chủng phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng của địa phương, thay vì chờ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mua và cấp như trước đây. (Trước đây, khi mua vắc xin và vật tư tiêm chủng thì Bộ Y tế sẽ đặt hàng các hãng và Bộ Tài chính sẽ chi trả).

Trước tình trạng thiếu vắc xin “5 trong 1”, vắc xin DPT nói riêng và nhiều loại vắc xin khác trong tương lai gần, tháng 5 này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài công lập truyền thông tới người dân được biết tình hình gián đoạn và chủ động lựa chọn hình thức tiêm chủng phù hợp cho các đối tượng tiêm.

Ông Chu Trọng Trang – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An nêu rõ: Trước tình trạng không có vắc xin, tỉnh Nghệ An khuyến cáo những người dân có điều kiện kinh tế nếu không muốn con em mình bị gián đoạn tiêm cũng như phải chờ để tiêm thì có thể cho các cháu tiêm vắc xin dịch vụ. Hiện nay, vắc xin dịch vụ có trên thị trường Nghệ An đủ cung ứng cho các cháu.

Với trường hợp các cháu bé chưa được tiêm vắc xin “5 trong 1” thì gia đình có thể cho các cháu tiêm các mũi vắc xin riêng biệt để phòng từng bệnh… Nếu như các cháu bé đã tiêm các mũi 1, mũi 2 vắc xin “5 trong 1” rồi thì đồng nghĩa với việc cơ thể đã có miễn dịch nhất định. Gia đình cũng có thể cho các cháu chờ đợi thêm một vài tháng, khi vắc xin “5 trong 1” được cung ứng thì có thể tiếp tục tiêm. Sự chờ đợi này không ảnh hưởng quá nhiều đến miễn dịch của các cháu.

Trước đó, để tránh tình trạng thiếu vắc xin cục bộ, ngành Y tế Nghệ An đã chủ động căn cứ vào các lô vắc xin, hạn sử dụng vắc xin để lấy tối đa số vắc xin có thể từ Trung ương về cho địa phương. Sự chủ động này tránh cho việc tỉnh sẽ bị thiếu cục bộ, thiếu số lượng lớn vắc xin.

Anh-tin-bai
Các tỉnh, thành phố đề nghị, phương án tối ưu là Bộ Y tế vẫn thực hiện đấu thầu, mua sắm tập trung vắc xin tiêm chủng mở rộng, cấp phát về địa phương. Ảnh: Tư liệu

Đáp ứng chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Nghệ An đã dự trù xong số lượng vắc xin và vật tư tiêm chủng cần phải có trong những tháng cuối năm 2023 và toàn bộ năm 2024; đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện mua sắm vắc xin và vật tư tiêm chủng. Ước tính, tổng số liều vắc xin cần mua từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2024 là 3.342.932 liều (13 loại); tương ứng với số tiền gần 113 tỷ đồng. Kinh phí vật tư tiêu hao phục vụ tiêm chủng từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2024 là gần 2,8 tỷ đồng. Kinh phí mua sổ tiêm chủng trẻ em trong năm 2024 là trên 468 triệu đồng.

Song hành với việc dự trù mua sắm, tỉnh Nghệ An cũng đã báo cáo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan bố trí kinh phí mua sắm vắc xin và vật tư tiêm chủng bằng hình thức đấu thầu tập trung ở cấp Trung ương, sau đó cấp về cho địa phương.

Và nếu sử dụng ngân sách địa phương để mua sắm vắc xin, vật tư tiêm chủng thì cũng cần sửa đổi các nghị định, thông tư liên quan đến tiêm chủng. Các nghị định, thông tư đều nói rõ: Vắc xin, vật tư tiêm chủng sẽ do Trung ương cấp cho các tỉnh, thành phố để triển khai tiêm miễn phí cho trẻ.

Ông Nguyễn Văn Thương – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An kiến nghị: Tiền mua vẫn là ngân sách, mua tập trung số lượng lớn chắc chắn sẽ rẻ hơn, còn để địa phương mua có thể xảy ra tình huống địa phương này mua đắt, địa phương khác mua rẻ. Phương án tối ưu thì Bộ Y tế vẫn thực hiện đấu thầu, mua sắm tập trung vắc xin tiêm chủng mở rộng hoặc có thể Bộ Y tế vẫn mua như trước, sau đó chuyển ngân sách chi cho vắc xin về địa phương chi trả.

Hiện nay, các phương án mua vắc xin đang được các bộ, ban, ngành và địa phương tính toán. Tuy nhiên, điều đáng nói là các vắc xin bị thiếu vẫn chưa thể hẹn ngày tiếp tục được cung ứng trở lại!

 

Theo Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây