Phương pháp giảm đau do bệnh nhân tự kiểm soát (PCA)

Thứ năm - 28/03/2024 22:52
Đau sau phẫu thuật luôn là nỗi sợ hãi, ám ảnh của người bệnh và ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý cũng như sự phục hồi của người bệnh sau mổ. Với sự phát triển của nền y học hiện đại đã ra đời phương pháp giảm đau PCA, giúp cho phép bệnh nhân tự kiểm soát cơn đau.
Đau sau phẫu thuật luôn là nỗi sợ hãi, ám ảnh của người bệnh và ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý cũng như sự phục hồi của người bệnh sau mổ. Với sự phát triển của nền y học hiện đại đã ra đời phương pháp giảm đau PCA, giúp cho phép bệnh nhân tự kiểm soát cơn đau.

1. Giảm đau PCA là gì?

Giảm đau PCA (Patient Controlled Analgesia) là một phương pháp giảm đau cho phép bệnh nhân tự kiểm soát cơn đau của mình. Bệnh nhân không cần điều dưỡng hay bác sĩ tiêm thuốc cho mình mà có thể chủ động tự kiểm soát cơn đau của mình trong giới hạn cho phép của bác sĩ.

2. Cơ chế hoạt động của phương pháp giảm đau PCA

Bệnh nhân sẽ được nối vào một thiết bị đặc biệt  - máy bơm tiêm PCA chứa thuốc giảm đau bằng một ống dẫn luồn vào tĩnh mạch, khoang ngoài màng cứng, đám rối thần kinh hay thân thần kinh. Máy giảm đau PCA có một nút cầm tay để khi bệnh nhân nhấn vào nút đó máy sẽ tự động tiêm một lượng thuốc giảm đau nhất định vào cơ thể.Hơn ai hết, bệnh nhân là người cảm thấy rõ nhất về những cơn đau của mình nên chỉ họ sẽ chủ động bấm nút trên máy giảm đau PCA khi cảm thấy đau.

Căn cứ vào bệnh sử và trọng lượng của từng người mà nhân viên y tế sẽ lập trình sẵn lượng thuốc giảm đau vào những thời điểm nhất định. Đồng thời trong quá trình, các nhân viên y tế cũng sẽ quan sát mức độ giảm đau và số lần bệnh nhân bấm nút. Từ đó, có thể đưa ra sự thay đổi về liều thuốc hoặc thời gian giữa những lần truyền thuốc để sao cho việc giảm đau phát huy hiệu quả nhất.

Người bệnh có thể bấm nút cầm tay bất cứ khi nào cảm thấy khó chịu. Gia đình và người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm bởi máy giảm đau PCA đã được lập trình để đảm bảo người bệnh nhận được lượng thuốc trong giới hạn an toàn, ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc quá liều.

Anh-tin-bai
Hình ảnh minh họa

3. Giảm đau PCA phù hợp cho đối tượng nào?

PCA thích hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân sau phẫu thuật. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ giúp bệnh nhân quyết định xem PCA có phù hợp với bệnh nhân hay không.

4. Thuốc gì được sử dụng trong máy giảm đau PCA?

Thuốc giảm đau nhóm Opiate như: morphin, fentanyl. Cơ chế hoạt động của các loại thuốc nhóm Opiate là ngăn chặn lại những tín hiệu của cơn đau trước khi chúng được truyền tới não..

Thuốc tê như: ropivacain, bupivacain, có tác dụng ức chế tạm thời dẫn truyền xung động thần kinh nhằm làm mất cảm giác đau.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau khác như Paracetamol hay các loại thuốc kháng viêm. Việc kết hợp với những loại thuốc này giúp cho bệnh nhân giảm cơn đau một cách hiệu quả nhất có thể.

Anh-tin-bai
Hình ảnh minh họa

5. Ưu nhược điểm của phương pháp giảm đau PCA

Phương pháp giảm đau PCA có các ưu điểm:

  • Bệnh nhân tự kiểm soát cơn đau của mình mà không phụ thuộc nhân viên y tế;
  • Hiệu quả giảm đau cao hơn so với hầu hết các loại thuốc giảm đau khác, nên có khả năng cử động và rời khỏi giường trong thời gian sớm hơn, hồi phục sau mổ nhanh hơn;
  • PCA là một phương pháp an toàn vì lượng thuốc được đưa vào cơ thể một cách chính xác và nằm trong giới hạn nhất định.

Ở một số trường hợp, thuốc giảm đau có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: chóng mặt, buồn nôn, khó thở, hạ huyết áp, bí tiểu. Tuy nhiên, những tác dụng phụ thường rất ít xảy ra.

Nguyễn Linh ( tổng hợp )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây