Sức khỏe sinh sản hiểu theo nghĩa rất bao quát của Tổ chức y tế thế giới là sức khỏe về mặt thể chất, tinh thần và xã hội của một con người từ khi trong bào thai cho đến khi lìa đời (không chỉ là không có bệnh hoặc tật)!
Trên cơ sở hiểu đúng hai khái niệm ấy, chúng ta thử phân tích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, bất bình đẳng giới có thể thể hiện ở những nội dung cụ thể nào?
1. Những bệnh lây truyền qua đường tình dục: Đã gọi là lây truyền qua đường tình dục (dù đồng giới hay khác giới) thì hẳn nhiên có liên quan đến cả hai giới, không riêng gì của người phụ nữ! Mầm bệnh có thể tồn tại ở cả hai giới và lây truyền cho nhau (có thể kể ra một số tác nhân gây bệnh phổ biến: trùng roi, clamydia trachomatis, lậu, giang mai, sùi mào gà sinh dục, HIV, HPV...) Cũng như ở nữ giới, triệu chứng các bệnh này có thể đặc hiệu (bệnh giang mai, sùi mào gà...) nhưng hầu hết đều có triệu chứng kín đáo nên dễ bị bỏ qua (tiểu buốt, tiểu rắc...) hoặc không có triệu chứng như giai đoạn đầu của nhiễm HIV. Vì vậy, việc khám nam khoa cũng cần lưu ý thực hiện thường xuyên, đặt biệt ở người có hành vi có nguy cơ (trên 1 bạn tình, tình dục đồng giới...) Việc điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải thực hiện trên cả hai người có quan hệ phối ngẫu để triệt căn, tránh tái nhiễm cũng như làm lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.
Một nội dung cập nhật mới hiện nay nam giới cũng phải quan tâm: các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây truyền từ mẹ sang con khi người phụ nữ mang thai bị nhiễm như: HIV, viêm gan B, giang mai, lậu... Lây nhiễm các bệnh này từ trong bào thai nếu không được sàng lọc phát hiện để điều trị dự phòng kịp thời và đầy đủ có thể để lại hậu quả bệnh, tật khôn lường ở thế hệ sau. Đường truyền từ mẹ sang con có thể qua nhau thai, qua tiếp xúc trực tiếp dịch tiết người mẹ và thai, qua sữa mẹ. Như vậy, việc phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hạnh phúc và tương lai của mọi gia đình.
2. Hiếm muộn và vô sinh: Từ a xưa tại Việt Nam, người phụ nữ gần như bị đổ lỗi hoàn toàn trong việc “không sinh được con nối dõi tông đường” và mang cái ấm ức đó suốt nhiều thế kỷ. Cho đến nay mặc dù đã tiếp cận nhiều bằng chứng khoa học chứng minh nguyên nhân gây vô sinh đến từ 2 giới (khoảng 30-35% do nữ, 30-35% do nam còn lại do cả hai vợ chồng), vẫn còn nhiều vùng miền, nhiều gia đình dòng tộc vẫn chưa xóa bỏ triệt để quan niệm sai lầm ấy.
Hướng dẫn quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2016 ghi rất rõ: Có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh nam giới. Có thể chia thành các nhóm:
- Yếu tố tình dục (rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh,…).
- Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu-sinh dục: viêm tinh hoàn-mào tinh hoàn, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt…
- Những bất thường bẩm sinh: Bất thường về thể nhiễm sắc giới tính (hội chứng
Klinefelter và các biến thể của hội chứng này: 47XXY, 48XXXY…), các khuyết tật về gen (hội chứng Kallmann, hội chứng Prader-Willi…), các bất thường khác (tật không tinh hoàn, tinh hoàn không xuống bìu, bất sản ống dẫn tinh, hội chứng chỉ có tế bào Sertoli, cấu trúc bất thường của tinh trùng…), tinh dịch bất thường tự phát (hội chứng OAT) hoặc không tìm thấy nguyên nhân.
- Các yếu tố mắc phải: Nghiện rượu, hút thuốc lá, sau hóa trị liệu, nhiễm độc tia xạ, tiền sử mắc bệnh quai bị biến chứng đến tinh hoàn…; Giãn tĩnh mạch tinh; Các rối loạn nội tiết tố (suy sinh dục, thiếu FSH đơn thuần, bài tiết nội tiết quá mức …; Các yếu tố miễn dịch (kháng thể kháng tinh trùng gây hiện tượng ngưng kết và bất động tinh trùng); Các bất thường khác (tắc ống dẫn tinh, chấn thương mất tinh hoàn…).
Như vậy, nguyên nhân vô sinh về phía nam giới rất nhiều và phức tạp, cũng cần phải khám tỉ mỉ, áp dụng các kỹ thuật cao để chẩn đoán và điều trị không kém gi nữ giới. Vì vậy, trước tình trạng chậm có thai, mong con; nam giới càng phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của bản thân, cùng chia sẻ và đồng hành với vợ trong hành trình tìm kiếm con yêu để đạt được kết quả mong đợi.
3. Kế hoạch hóa gia đình: Quan niệm tồn tại từ rất lâu việc mang thai và sinh nở là thiên chức của người phụ nữ nên mặc định việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh thai ngoài ý muốn cũng là trách nhiệm của người phụ nữ là hoàn toàn sai lầm. Chúng ta phải thừa nhận rằng, các biện pháp tránh thai từ truyền thống đến hiện đại cho nữ giới vẫn đa dạng, phong phú hơn; cho người phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, phân tích kỹ các biện pháp tránh thai dành cho nam giới, chúng ta phải thấy rằng so với biện pháp cùng loại dành cho nữ, các biện pháp tránh thai cho nam giới đơn giản và dễ thực hiện hơn nhiều.
Chẳng hạn: Bao cao su dành cho nam giới được phát kiến trước bao cao su cho nữ giới và dễ sử dụng hơn do cấu tạo đặc biệt của bộ phận sinh dục ngoài của nam, do đó ít gây thất bại hơn. Bao cao su một biện pháp tránh thai hiện đại, hiệu quả cao > 98% nếu sử dụng dúng cách và hầu như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều đấng mày râu chỉ vì không thích “mặc áo mưa” mà buộc vợ phải tìm kiếm thực hiện các biện pháp tránh thai dành cho nữ, vừa tốn kém, vừa chịu dựng thủ thuật, phẫu thuật và đôi khi có những tác dụng phụ không mong muốn. Triệt sản nam (đang dùng là kỹ thuật thắt cắt ống dẫn tinh không dùng dao) là phẫu thuật nhỏ tại vùng bìu, không xâm lấn vào ổ bụng đơn giản hơn gấp bội triệt sản nữ phải đi vào ổ bụng, thời gian nghỉ để hồi phục chỉ cần vài giờ so với nhiều ngày của người phụ nữ. Chi phí cho triệt sản nam chỉ chưa đến một nửa chi phí của phẫu thuật triệt sản nữ. Có nhiều ưu điểm như vậy nhưng hiện nay số lượng triệt sản nam vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với triệt sản nữ theo thống kê hàng năm của hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Một vài góc nhìn trong chăm sóc sức khỏe sinh sản nam giới cho thấy: Còn tồn tại nhiều định kiến cá nhân và xã hội về bình đẳng giới, trong đó vai trò, trách nhiệm của nam giới chưa được phát huy đầy đủ trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cả hai giới. Tăng cường cập nhật thông tin khoa học để hiểu đúng, hiểu đầy đủ về các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ giúp thay đổi nhận thức lệch lạc cũ và hình thành hành vi đúng trong chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và con cái, góp phần “bình đẳng giới” trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung.
BS. Trần Nguyễn Thu Thảo