Rối loạn sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và những người sống cùng

Thứ năm - 26/06/2025 23:18
Rối loạn sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và những người sống cùng
Rối loạn sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và những người sống cùng
Trên thế giới, tính đến hết năm 2023, có khoảng 39,9 triệu người đang sống chung với HIV. Châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 25,9 triệu người nhiễm HIV hiện đang còn sống. Trong năm 2023, thế giới có khoảng 1,3 triệu người nhiễm HIV mới và 630.000 người nhiễm HIV đã tử vong. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tính đến hết năm 2023 có khoảng 6,7 triệu người đang sống chung với HIV.
Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, báo cáo về tình hình dịch HIV/AIDS cho thấy Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2024 số người nhiễm HIV đang còn sống là 245.762 trường hợp, cả nước ghi nhận 13.351 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.905 trường hợp tử vong; tổng số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 116.004 trường hợp. Số người nhiễm HIV phát hiện mới giảm 94 ca so với năm 2023 (13.445). Như vậy dịch HIV/AIDS phát hiện mới vẫn ở mức cao, mức giảm chưa đạt kỳ vọng so với tiến trình hướng đến mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (dưới 1.000 ca).
Bên cạnh việc tăng cường sức khỏe thể chất bằng điều trị thuốc ARV liên tục, suốt đời thì việc được chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe tâm thần của người nhiễm HIV, những người sống cùng cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm và can thiệp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho họ. Các vấn đề phổ biến thường gặp phải là trầm cảm, lo âu và lạm dụng các chất gây nghiện. Bài báo của tác giả Thái Thành Trúc và cộng sự trên  tạp chí Pubmed về rối loạn sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân ngoại trú nhiễm HIV tại Việt Nam năm 2019 cho thấy trầm cảm là biến chứng tâm thần phổ biến nhất ở bệnh nhân nhiễm HIV và hạn chế đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh HIV/ AIDS.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, với nhiều áp lực từ gia đình, xã hội, những trải nghiệm không vui hay chấn thương cũng có thể là yếu tố để xuất hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần ở bất kỳ ai, kể cả những người không nhiễm HIV. Ngoài những tác động đó, thì những người nhiễm HIV và những người sống cùng cũng có những áp lực riêng do căn bệnh HIV/AIDS mang lại. Đó là sự kỳ thị phân biệt đối xử trong xã hội, những áp lực trong quá trình điều trị bệnh.
Sự kỳ thị là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến người nhiễm HIV/AIDS. Hệ quả của sự kỳ thị này là người nhiễm HIV/AIDS thường phải sống trong cảm giác cô đơn, bị xa lánh và không được chấp nhận, dẫn đến tình trạng trầm cảm và lo âu. Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành “quần thể ẩn”, rất khó tiếp cận. Sự kỳ thị cũng tác động đến các mối quan hệ xã hội của người nhiễm HIV/AIDS. Họ có thể bị từ chối trong gia đình, bạn bè và nơi làm việc. Việc khó khăn tìm kiếm việc làm tạo áp lực kinh tế tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự cô đơn và thiếu hỗ trợ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế khi cần thiết. Sự kỳ thị không chỉ ảnh hưởng đến người nhiễm HIV mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình có người nhiễm. Họ phải gồng gánh chăm sóc người bệnh vừa đối phó với ánh mắt của xã hội dễ dẫn đến những căng thẳng trầm cảm. Con cái trong gia đình có người nhiễm HIV là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trẻ em có cha hoặc mẹ (hoặc cả hai) nhiễm HIV thường phải chứng kiến quá trình bệnh tật của phụ huynh, sống trong lo âu mất cha/mẹ và đôi khi phải gánh vác trách nhiệm sớm, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng từ sự kỳ thị, bạo lực từ cộng đồng, trường lớp khiến trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý và  dừng việc học.
Việc điều trị HIV/AIDS thường kéo dài và phức tạp, yêu cầu người bệnh phải tuân thủ một lịch trình nghiêm ngặt. Sự lo lắng về tác dụng phụ của thuốc và những khó khăn trong việc duy trì điều trị có thể dẫn đến tình trạng stress kéo dài Ngoài ra, những áp lực từ kinh tế do chi phí điều trị, khó khăn trong tìm kiếm việc làm cũng gây ra những căng thẳng, lo âu làm gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần; việc hiểu biết không đầy đủ có thể đẫn đến sự sợ hãi, lo lắng cho người bệnh cũng như người chăm sóc.
Tình trạng lo âu, stress kéo dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch vốn yếu khiến người nhiễm HIV dễ mắc thêm các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Suy giảm sức khỏe tâm thần và HIV tạo thành vòng xoắn bệnh lý: HIV làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần, rối loạn tâm thần lại thúc đẩy tiến triển HIV và hành vi nguy cơ lây nhiễm. Gánh nặng tâm lý đối với người nhiễm HIV/AIDS không chỉ là nỗi đau cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị của chính họ và nỗ lực kiểm soát dịch bệnh chung.
Tình hình sức khỏe tâm thần của người nhiễm HIV/AIDS và những người sống chung với họ là một vấn đề phức tạp và cần được chú ý. Các yếu tố tác động đến sức khỏe tâm thần như kỳ thị, áp lực điều trị, và tình hình kinh tế cần được xem xét một cách toàn diện. Để cải thiện tình hình, cần có sự chung tay của cộng đồng, gia đình và các tổ chức y tế trong việc cung cấp hỗ trợ, thông tin và điều trị. Chỉ khi có sự kết hợp này, chúng ta mới có thể giúp người nhiễm HIV/AIDS sống khỏe mạnh và hòa nhập với xã hội. Một người nhiễm HIV khỏe mạnh về tinh thần sẽ có động lực sống, làm việc, tuân thủ điều tốt và đóng góp cho xã hội như bất kỳ ai.

 

Tác giả bài viết: Khoa PC BKLN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

dịch vụ khử trùng Môi trường trắc quan Khám sức khỏe người lao động

Thống kê

  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay4,885
  • Tháng hiện tại25,459
  • Tổng lượt truy cập5,233,710

Liên kết web

cục quản lý chữa bệnh Bộ y tế cục y tế dự phòng Viện vệ sinh dịch tễ viện pasr Hồ chí minh Viện dinh dưỡng Sở Y Tế Nghệ An TMS
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây