Tại Nghệ An chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), được triển khai từ năm 2020, mặc dù số người đăng ký sử dụng PrEP tăng đáng kể qua các năm, tính từ năm 2020 đến quý III năm 2024 số khách hàng đăng ký sử dụng PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 3057 , tuy nhiên tỉ lệ duy trì điều trị vẫn chưa được cải thiện. Theo thống kê tỷ lệ phần trăm những người sử dụng PrEP tiếp tục uống PrEP từ 3 tháng trở lên kề từ khi sử dụng tại Nghệ An chỉ chiếm 49%, Tỷ lệ phần trăm những người sử dụng PrEP duy trì điều trị chiếm 44%. Tình trạng bỏ trị giữa chừng diễn ra nhiều ảnh hưởng nhiểu đến tính bền vững và hiệu quả lâu dài của chương trình PrEP. Nếu tình trạng này không được cải thiện, các nỗ lực và nguồn lực đầu tư cho chương trình PrEP sẽ trở nên kém hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân khách hàng bỏ trị là do nhận thức chưa đầy đủ về biện pháp dự phòng này. Nhiều người đăng ký tham gia điều trị vẫn chưa hiểu rõ về cơ chế hoạt động, tác dụng phòng ngừa HIV cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị, ngại tìm hiểu và dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng. Theo đánh giá của nhiều người thì việc giao chỉ tiêu cao quá cho các cơ sở điều trị cũng là một nguyên nhân dẫn đến chương trình chưa hiệu quả như mong đợi, có số lượng nhưng thiếu chất lượng. Bởi các tư vấn viên hay nhân viên y tế khi truyền thông hoặc tư vấn cho khách hàng thường có xu hướng gợi ý, thúc dục hoặc thậm chí quyết định thay khách hàng, “cố ép” khách hàng tham gia điều trị trong khi khách hàng chưa hiểu hết cũng như chưa chuẩn bị tinh thần để ra quyết định, dẫn đến tham gia điều trị một thời gian ngắn rồi bỏ trị. Vì vậy, các nhân viên y tế, đặc biệt là tư vấn viên cộng đồng, cần được tập huấn về kỹ năng tư vấn tạo động lực, truyền thông về PrEP. Họ cần có khả năng cung cấp thông tin đầy đủ, giải đáp các thắc mắc của người bệnh, đồng thời hỗ trợ họ xử trí các vấn đề gặp phải trong quá trình điều trị như tác dụng phụ của thuốc. Đồng thời cần nghiên cứu kỹ trước khi ra chỉ tiêu cho các cơ sở điều trị tránh áp lực cho họ chạy theo chỉ tiêu.
Bên cạnh vấn đề nhận thức, khó khăn trong tiếp cận dịch vụ PrEP cũng là một yếu tố quan trọng khiến người sử dụng bỏ trị. Một số khách hàng ở vùng sâu, vùng xa mặc dù có nhu cầu sử dụng PrEP nhưng lại không muốn đến cơ sở y tế nhà nước, trong khi đó y tế tư nhân tại địa bàn sinh sống không có dịch vụ PrEP. Khi sử dụng PrEp khách hàng phải đi quãng đường khá dài, đồng thời ở cơ sở nhà nước thường mất nhiều thời gian hơn so với cơ sở tư nhân. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận và duy trì điều trị, nhất là với những người có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc sinh sống ở những vùng núi đi lai khó khăn.
Một trong những nguyên nhân khiến cho khách hàng còn e ngại chưa tìm đến PrEP là các rào cản gia đình, văn hóa - xã hội. Sự phân biệt đối xử, định kiến với các nhóm nguy người cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người bán dâm, người tiêm chích ma túy vẫn tồn tại trong xã hội. Sự tự kỳ thị ở nhóm người này vẫn còn khá nặng nề, điều này thể hiện qua việc chúng tôi mời tham dự truyền thông Phòng, chống HIV/AIDS nói chung và PrEP nói riêng là khá khó khăn, do đối tượng không muốn đi tham dự hoặc đi tham dự nhưng phải tổ chức chỗ kín đáo, đảm bảo tính riêng tư cao. Đây là một điêu khác biệt với các tỉnh miền Nam, cộng đồng nguy cơ cao thường cởi mở hơn nhiều, do đó mà họ cũng tự tin thể hiện mình. Để cải thiện tình trạng này, cần phải tăng cường và đẩy mạnh truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và PrEP. Cần tạo dựng một môi trường xã hội chấp nhận và hỗ trợ người sử dụng PrEP, đặc biệt là với các nhóm nguy cơ cao.
Để chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV phát huy hiệu quả, bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức người dân, nhất là truyền thông cho các nhóm đối tượng nguy cơ, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ, cải thiện chất lượng tư vấn hỗ trợ khách hàng sử dụng, mở rộng và đa dạng hóa mô hình dịch vụ, hướng tới sự thuận tiện cho khách hàng, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, đoàn thanh niên, lao động - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng. Ngoài các cơ sở y tế công lập, việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng sẽ giúp mở rộng đáng kể độ bao phủ của dịch vụ PrEP.
VT