Vì sao người bệnh Parkinson cần tập phục hồi chức năng?

Thứ ba - 07/05/2024 20:37
Bệnh Parkinson không có cách chữa trị triệt để, thuốc có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng của bệnh và các bài tập phục hồi chức năng là cách để giảm quá trình phát triển của bệnh.

Bệnh Parkinson không có cách chữa trị triệt để, thuốc có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng của bệnh và các bài tập phục hồi chức năng là cách để giảm quá trình phát triển của bệnh.

Vai trò của phục hồi chức năng với người bệnh Parkinson

Parkinson là bệnh gì? Parkinson là bệnh lý gây rối loạn thoái hóa chậm tiến triển, làm giảm chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Người mắc bệnh Parkinson thường có những triệu chứng như run, giảm vận động, vận động chậm, giảm thăng bằng. Người bệnh thường gặp tình trạng căng, co cứng khi đi, giữ thăng bằng khó và dễ bị té ngã, chấn thương

Người bệnh Parkinson khi bị té ngã sẽ đối diện với các nguy cơ như gãy cổ xương đùi, chấn thương cột sống không thể đi lại được.

Ngoài ra, người bệnh Parkinson còn bị ảnh hưởng đến nhận thức và trí nhớ. Do vậy, ngoài vấn đề dùng thuốc giúp làm chậm sự phát triển của bệnh, việc phục hồi chức năng đóng một vai trò quan trọng giúp người bệnh Parkinson cải thiện được vấn đề về vận động, không bị trương lực cơ hoặc co cứng quá mức, giúp các cơ mềm mại hơn để đi lại dễ dàng, các cử động nhịp nhàng hơn.

Về vấn đề nhận thức, các bài tập phục hồi chức năng sẽ giúp người bệnh tăng khả năng ghi nhớ và tập trung. Tùy vào từng người bệnh, mỗi bệnh nhân lại có những triệu chứng khác nhau, do vậy các bài tập cũng sẽ được cá thể hóa

Vì sao người bệnh Parkinson cần tập phục hồi chức năng?- Ảnh 1.
Hiện chưa có cách để có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson mà chỉ có những biện pháp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, trì hoãn tiến trình tiến triển của bệnh. (Ảnh minh họa).

Các bài tập cho người bệnh Parkinson

Phục hồi chức năng là một trong các phương pháp điều trị không dùng thuốc cho người bệnh Parkinson. Các bài tập tập trung vào mục tiêu cải thiện khả năng tập trung, suy nghĩ và ghi nhớ của bệnh nhân. Trong quá trình tập luyện, người bệnh cần duy trì các phản hồi bằng lời nói hoặc vận động, thúc đẩy tạo động lực cho bệnh nhân duy trì tập luyện như một thói quen hàng ngày. Người bệnh Parkinson thường gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại, di chuyển, duy trì tư thế và thăng bằng dẫn đến nguy cơ té ngã và chấn thương cho bệnh nhân.

Các bài tập phục hồi chức năng dành cho người bệnh Parkinson có thể gồm các bài nâng tạ nhẹ nhàng hoặc các bài tập tim mạch như máy đạp xe, máy đi bộ… Người bệnh không nên tập quá sức hoặc thực hiện những bài tập, động tác có khả năng gây chấn thương, té ngã. Các nhà khoa học đã đưa ra một số loại hình phù hợp với người bệnh Parkinson bao gồm:

  • Bài tập thái cực quyền
  • Bài tập nhảy tango
  • Bài tập với máy chạy bộ
  • Bài tập đạp xe
    Vì sao người bệnh Parkinson cần tập phục hồi chức năng?- Ảnh 2.
    Mỗi người bệnh Parkinson sẽ được cá thể hóa bài tập theo từng triệu chứng. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, ở mỗi cá thể thì sẽ được các bác sĩ gợi ý để tập luyện cho phù hợp nhằm cải thiện cho từng triệu chứng. Người mắc bệnh Parkinson bên cạnh việc duy trì chế độ tập luyện thể dục khoa học, phù hợp với thể trạng cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tiến hành vật lý trị liệu nếu cần. Các bài tập phục hồi chức năng không giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên việc tập luyện thường xuyên và đúng cách sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh.

Người bệnh Parkinson lưu ý, chỉ nên tập luyện tại nhà với những bài tập phục hồi chức năng đơn giản. Với những bài tập khó, nhiều chi tiết, người bệnh cần đến các cơ sở về phục hồi chức năng để được các bác sĩ, nhân viên y tế giám sát. Người bệnh Parkinson cần thực hiện phục hồi chức năng song song với các phương pháp điều trị khác như dùng thuốc để cải thiện tình trạng bệnh và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Thái Thúy (theo Báo SK&ĐS)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây