Thanh niên 17 tuổi nhập viện vì rối loạn ý thức, co giật do sử dụng thuốc lá điện tử

Thứ năm - 23/11/2023 20:01
Hầu như tuần nào Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc lá điện tử. Trường hợp gần đây nhất là bệnh nhân 17 tuổi hút cả thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử nhập viện với trạng thái hoảng hốt, có biểu hiện rối loạn ý thức, không thể giao tiếp, kích động co giật, kích thích, vã mồ hôi.

 Hầu như tuần nào Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc lá điện tử. Trường hợp gần đây nhất là bệnh nhân 17 tuổi hút cả thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử nhập viện với trạng thái hoảng hốt, có biểu hiện rối loạn ý thức, không thể giao tiếp, kích động co giật, kích thích, vã mồ hôi.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ những thông tin trên tại hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế tổ chức hôm nay 23/11.

Tỉ hệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ ở Việt Nam gia tăng

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).

Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.

"Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá"- ông Hải nói.

Thanh niên 17 tuổi nhập viện vì rối loạn ý thức, co giật do sử dụng thuốc lá điện tử- Ảnh 1.
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông

Thông tin tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, thuốc lá là nguy cơ gây ra tử vong, bệnh tật và gây ra đói nghèo và tác hại đối với môi trường, kinh tế và xã hội trên thế giới.

"Có thể thấy chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ"- Ths Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Chuyên gia y tế khuyến cáo: Cần cấm lưu hành, cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử

"Thuốc lá điện tử chứa quá nhiều chất, phức tạp hơn cả thuốc lá truyền thống. Thuốc lá điện tử còn là nơi "núp bóng" của ma túy thế hệ mới, cần sa tổng hợp. Hiện nay cần sa tổng hợp chủ yếu tồn tại dưới dạng thuốc lá điện tử, một số ít tồn tại dưới dạng cỏ Mỹ"- TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh

Hiện nay ở một số nước đã cấm thuốc lá điện tử như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,…Trung Quốc là nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử (nhiều nhất trên thế giới), nước này cũng đã thực hiện chính sách cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10/2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử).

Do đó, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên đề xuất cần cấm ngay lập tức việc lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam, cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi.

Chia sẻ tại hội nghị, BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: Các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, tác hại ngay trước mắt và lâu dài. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng, chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây".

Theo thông tin của Nguyễn Tuấn Lâm, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam nhưng các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan, mua bán dễ dàng. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ.

Do đó cần khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam...

Thanh niên 17 tuổi nhập viện vì rối loạn ý thức, co giật do sử dụng thuốc lá điện tử- Ảnh 2.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế nhấn mạnh: Hiện nay tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ gia tăng.

Chia sẻ tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn rất nhiều lần so với thuốc lá thông trường. Đây là chất độc, khả năng gây nghiện cao. Theo một nghiên cứu trên thế giới vào năm 2018, ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine.

Ngoài ra, các loại thuốc lá điện tử chứa rất nhiều loại hóa chất, đều các hóa chất nhân tạo tổng hợp với số lượng khổng lồ, thay đổi các hóa chất liên tục. Điều này làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết. Bên cạnh đó, nó còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Thanh niên 17 tuổi nhập viện vì rối loạn ý thức, co giật do sử dụng thuốc lá điện tử- Ảnh 3.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: Thuốc lá điện tử còn là nơi "núp bóng" của ma túy thế hệ mới, cần sa tổng hợp.
Hơn 1 tỷ người hút thuốc trên thế giới, trong đó ở người trưởng thành, nam giới 847 triệu, nữ giới 153 triệu người; ở nhóm tuổi thanh thiếu niên 13-15 tuổi là 24 triệu người. Hơn 8 triệu người tử vong hàng năm do thuốc lá, trong đó 7 triệu do trực tiếp sử dụng thuốc lá, 1,2 triệu người không hút thuốc tử vong do hút thuốc thụ động 1,4 nghìn tỷ USD chi phí hàng năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe và giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra...

Theo ước tính của WHO, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Thanh niên 17 tuổi nhập viện vì rối loạn ý thức, co giật do sử dụng thuốc lá điện tử- Ảnh 4.
Các hình ảnh đa dạng, bắt mắt của thuốc lá thế hệ mới.

Bà Hương cũng cho biết thêm: Hiện nay tỉ lệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ gia tăng. Trong nhóm 13-17 tuổi, năm 2019, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi chiếm 2,6%. Năm 2022, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi này là 3,5%.

Ở người trưởng thành trên 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) (nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh - 2020).


Thái Thuý (Theo báo SK&ĐS)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây