Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ tư - 08/11/2023 20:40
Ở Nghệ An, những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được chú trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động này chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Ở Nghệ An, những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được chú trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động này chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.
Những đứa trẻ ở Nậm Tột đều thấp nhỏ hơn bạn cùng lứa ở vùng miền khác
"Khoảng tối" trên núi cao

Ở vùng núi cao thuộc tỉnh Nghệ An, đã và đang có rất nhiều trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng các thể thấp còi và nhẹ cân. Những đứa trẻ tại bản Nậm Tốt – bản sâu và xa nhất của xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong là một ví dụ: Ở bản có 23 trẻ trong độ tuổi 3-5 tuổi thì cả 23 trẻ đều xanh xao, thấp nhỏ hơn trẻ cùng độ tuổi những vùng miền khác.

Nói về các học trò của mình, cô giáo Vi Thị Tình – Điểm trường mầm non Nậm Tột kể: Nhiều đứa trẻ trong độ tuổi mầm non ở Nậm Tột cũng có hoàn cảnh rất đáng thương khi bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà nuôi nấng. Ông bà tuy rất thương cháu nhưng đã già cả; cháu lại đông vậy nên việc chăm sóc không thể nào chu tất. Phần đa cặp lồng cơm các con mang đến lớp ăn trưa chỉ có cơm với bí, su su luộc hoặc măng, cà xào mỡ; họa hoằn lắm mới có thêm miếng thịt, quả trứng hoặc con cá mắm…

Câu chuyện trẻ bị suy dinh dưỡng ở Nậm Tột không hề điển hình. Và lý do "Cha mẹ đi làm ăn xa" chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc nhiều đứa trẻ bị suy dinh dưỡng. Chuyện trò cùng chị Vi Thị Nhưn, ở xã Lượng Minh, có 2 con bị suy dinh dưỡng thì được biết: Cuộc sống khó khăn, lúc chị sinh đứa thứ 2 được hơn 1 tháng thì vợ chồng lại lên núi làm rẫy kiếm ăn. Đứa đầu 9 tuổi ở nhà chăm đứa thứ 2. Anh ăn cơm thì em ăn cơm nhai, anh ăn khoai thì em cũng ăn khoai nhai. Cả 2 đứa con đều cai sữa lúc 3 tháng…

Những đứa trẻ ở miền núi cao vẫn thường bị cai sữa sớm, thiếu dinh dưỡng. Điều này sẽ khiến kháng thể của trẻ kém và còi cọc. Nhiều trẻ bị rụng tóc sau gáy, 7-8 tháng rồi nhưng chỉ 5-6 kg. – Đây là một vấn đề rất đáng lo, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi sau này.

Bác sĩ Trần Văn Công, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương chia sẻ: Ở miền núi, tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao là do đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhận thức của người dân hạn chế, chưa quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con. Rồi do phong tục, tập quán của đồng bào từ xa xưa thiếu khoa học như cho trẻ ăn dặm sớm, ăn không đúng cách, mẹ nhai dặm cho con, ăn rau củ quả nhưng không nhiều, không đều…

Từng bước khởi sắc

Ở Nghệ An, những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được chú trọng. Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng như mở các lớp học làm bố, làm mẹ; các lớp thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi; bổ sung vitamin A cho trẻ; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đều khắp các từ tỉnh đến các thôn, bản...

Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 2.
Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ tại trạm Y tế xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu

Nhờ đó, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở Nghệ An có những tiến bộ. Theo kết quả đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong các năm 2020 -2022: Kết quả giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi từ 26% năm 2020 giảm xuống còn 25.5% năm 2021 và năm 2022 giảm còn 25.2%. Đối với suy dinh dưỡng nhẹ cân từ 15.7% năm 2020 giảm xuống còn 15.2% năm 2021 và năm 2022 giảm xuống còn 14.8%.

Song cần phải nói rằng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Nghệ An còn cao hơn từ 3% trở lên so với tỷ lệ trung bình chung. Chênh lệch chỉ số suy dinh dưỡng giữa các vùng miền còn lớn. Nghệ An vẫn nằm trong nhóm 22 tỉnh có tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao của cả nước…Nguyên nhân dẫn đến điều này, ngoài yếu tố từ phía gia đình, thì còn là do hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng thiếu kinh phí hoạt động. Các địa phương (nhất là các huyện, xã miền núi) chưa quan tâm đến công tác phòng chống suy dinh dưỡng.

Tuy nhiên, điều này đã và đang từng bước thay đổi. Từ năm 2022 trở lại đây, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở các huyện miền núi đã và đang có phần khởi sắc hơn khi mà Thủ tướng đã có Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về việc phê duyệt "Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025".

Trong đó có Dự án 7 "chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em"…Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 749/KH-UBND ngày 27/10/2022 về kế hoạch hành động phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 3.
Phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho hay: Từ nguồn kinh phí Dự án 7 Chương trình mục tiêu, các cơ quan và địa phương đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực, như: tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế/ người cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em hỗ trợ cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ; triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời; củng cố và hoàn thiện mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở thôn/bản vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.v.v…

Để phòng chống suy dinh dưỡng hiệu quả

Thực tế cho thấy việc thực hiện Dự án 7 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần sớm giải quyết. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết thêm: "Ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương chậm nên việc phân khai kinh phí và thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu theo tiến độ. Cần phải bố trí nguồn kinh phí ngay từ đầu năm; phân khai kinh phí rõ ràng cho từng nội dung để cán bộ chuyên trách dinh dưỡng xây dựng kinh phí hoạt động cho phù hợp từng hoạt động".

Ngoài ra, một số chính sách thuộc Dự án chưa được cụ thể hóa rõ ràng cũng gây khó khăn cho hoạt động. Bác sĩ Trần Văn Công - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương kiến nghị: Có rất nhiều văn bản, tài liệu quy định việc triển khai thực hiện các hoạt động dự án nhưng chưa có tập huấn, hướng dẫn cụ thể. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải vừa làm vừa nghiên cứu văn bản dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đảm bảo. Đề nghị có nhiều hơn hoạt động tập huấn, hướng dẫn cụ thể tránh việc tổ chức triển khai lúng túng chậm tiến độ.

Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 4.
Thực hiện tốt việc cho trẻ uống Vitamin A liều cao để phòng, chống suy dinh dưỡng

Bác sĩ Nguyễn Thị Loan - Trưởng Khoa An toàn thực phẩm – Y tế công cộng và dinh dưỡng, Trung tâm y tế huyện Anh Sơn đề nghị: Hiện nay, có nhiều trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống suy dinh hương bị hư hỏng nhưng chưa được cấp mới như cân, thước, bộ thực hành dinh dưỡng…cần được đầu tư, mua sắm mới.

Ngoài những khó khăn đã nêu, hiện nay, vẫn còn một số ít cán bộ và đồng bào còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động tích cực vươn lên thoát nghèo. Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa đảm bảo an ninh lương thực do chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Bác sĩ Hoàng Quốc Kiều bày tỏ: Để công tác Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo bền vững, ngoài sự quan tâm của Trung ương, tỉnh thì các địa phương và cộng đồng cần đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng. Các hộ gia đình cần tăng gia sản xuất nuôi trồng để tạo nguồn thực phẩm lành mạnh phục vụ bữa ăn tại gia đình; phát triển trồng cây công nghiệp sản xuất hàng hóa, vừa đáp ứng thực phẩm bổ sung cho bữa ăn; tăng cường hơn nữa các giải pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế./.

Dự án 7 "Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em" hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc có chất lượng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em. Với các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025: 90% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 27%....


Thái Thuý (Theo SK&ĐS)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây