Mùa đông khiến nhiều người bị khô nẻ da tay. Điều này có thể gây mất thẩm mỹ và khó chịu trong sinh hoạt. Để giúp da tay hết khô nẻ, thử áp dụng những cách dưới đây...
1. Vì sao da tay hay bị khô nẻ vào mùa đông?
Trừ các trường hợp bệnh lý gây khô nẻ da tay khô, với người có sức khỏe bình thường, da tay bị khô nẻ vào mùa đông thường do các nguyên nhân:
- Thời tiết: Khi nhiệt độ xuống thấp, lạnh đột ngột cùng không khí hanh khô sẽ khiến làn da không kịp thích ứng, dễ bị mất nước. Thời tiết lạnh cũng khiến chất keo giàu lipid kết dính các tế bào da kém hơn. Da tay là nơi thường xuyên tiếp xúc với môi trường, do đó rất dễ bị khô nẻ. Đặc biệt là người có làn da nhạy cảm, không chỉ bị khô nẻ mà còn bị thô ráp, bong tróc da tay.
- Không dùng kem chống nắng: Chúng ta thường chủ quan khi mùa đông thường không có nắng nên không dùng kem chống nắng. Thực tế là dù trời nhiều mây, ít ánh nắng, nhưng các tia cực tím vẫn xuyên qua mây và hoạt động mạnh vào mùa đông, gây hại cho da. Nếu không dùng kem chống nắng có độ ẩm sẽ làm da khô hơn.
- Do thói quen sinh hoạt: Khi thời tiết lạnh khiến nhu cầu sử dụng nước ấm nóng thường xuyên hơn. Tuy nhiên nếu có thói quen sử dụng nước nóng thường xuyên sẽ khiến da bị khô nẻ, thô ráp, bong tróc... Đặc biệt là đối với người làm công việc đòi hỏi phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, phải rửa tay nhiều như thợ làm tóc, đầu bếp, người làm việc nhà, người lao động tay chân...
Nếu thường xuyên rửa tay bằng nước nóng và sử dụng sản phẩm làm sạch da, xà phòng có tính tẩy rửa mạnh sẽ làm mất đi lớp liquid bảo vệ da, do đó khiến da càng bị nứt nẻ...
2. Cách làm da tay mềm mại hết khô nẻ hiệu quả
Với nguyên nhân khiến da tay khô nẻ như trên, có thể dễ dàng khắc phục bằng những cách sau:
- Dưỡng ẩm: Thoa kem dưỡng da tay hoặc lotion nhiều lần trong ngày. Lưu ý trước khi thoa kem, cần rửa tay sạch, tránh thoa kem dưỡng ẩm khi da tay đang bẩn.
Dưỡng ẩm là cách khắc phục đơn giản và hiệu quả nhất với làn da bị khô và nứt nẻ vào mùa đông. Nên chọn kem dưỡng da tay có chứa các thành phần: Glycerin, hyaluronic acid, sodium, PEG...
- Khóa ẩm: Ngoài ra, có thể sử dụng chất khóa ẩm như sáp, dầu, vaseline... Những chất này sẽ tạo thành lớp màng che phủ bề mặt da, giúp hạn chế sự bốc hơi nước trên da. Chất khóa ẩm thoa sau kem dưỡng ẩm vừa giúp da không bị mất nước, vừa tăng khả năng dưỡng da. Không nên dùng riêng biệt chất khóa ẩm vì nguy cơ gây bí da, bít tắc lỗ chân lông...
- Kem làm mềm da: Là một chất béo liquid, có đặc tính giữ nước, giữ dầu ở lớp sừng trên da. Chất này có khả năng lấp đầy khoảng trống giữa vảy da và các tế bào. Do đó sử dụng chất này làm mềm da vào mùa đông rất phù hợp.
Ngoài phương pháp trên, cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, kể cả khi không khát; bổ sung các vitamin C, vitamin D, vitamin E, vitamin D, vitamin B... qua thực phẩm. Hơn nữa, cần thoa kem chống nắng khi đi ra ngoài trời để bảo vệ da tay không bị ảnh hưởng bởi tia cực tím trong mùa đông.
- Sử dụng găng tay: Sử dụng găng tay cao su khi làm việc nhà như rửa bát, giặt đồ, nấu nướng sẽ giúp da tay tránh phải tiếp xúc với hóa chất, nhiệt độ của nước nóng. Dùng găng tay lao động khi làm việc nặng như phải khuân, bê vác đồ để tránh khói bụi, tổn thương da tay.
Đi găng tay chống rét ra ngoài đường vừa có tác dụng giữ ấm cho tay vừa có tác dụng chống mất nước, tránh được môi trường khói bụi, tia cực tím. Bằng biện pháp này sẽ giúp da tay sạch, mềm mại, tránh được khô nẻ.
Khi rửa tay, chỉ sử dụng xà phòng có thành phần dưỡng ẩm chứa glycerin, lanolin... Dùng nước vừa tan giá, không nên dùng nước nóng.
Thái Thuý (theo báo SK&ĐS)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn