Cần quan tâm hơn đến quản lý bệnh không lây nhiễm

Thứ hai - 14/10/2024 03:05
Cần quan tâm hơn đến quản lý bệnh không lây nhiễm
Đo huyết áp cho bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Ảnh: Thành Chung
Đo huyết áp cho bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Ảnh: Thành Chung
Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Lê Anh Tuấn – Trưởng Khoa Phòng chống Bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An xung quanh những vấn đề liên quan.
Phóng viên (PV): Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế thì ước tính mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Ông có thể cho biết rõ hơn thế nào là bệnh không lây nhiễm? tại sao bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong?
Bác sĩ Lê Tuấn Anh: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh không lây nhiễm là các bệnh không lây, còn được gọi là bệnh mạn tính, không lây từ người sang người. Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm. Bệnh không lây nhiễm bao gồm rất nhiều bệnh, nhưng đáng chú ý nhất là 4 loại bệnh chính như sau: Bệnh tim mạch (như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mãn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản), đái tháo đường... Ngoài ra còn có thể nhắc tới là các bệnh lý về thần kinh, tâm thần, các bệnh lý khớp mãn tính và chấn thương do tai nạn thương tích.
Bệnh không lây nhiễm có một số đặc điểm như nguyên nhân phức hợp gây nên; nhiều yếu tố nguy cơ; không có nguồn gốc nhiễm trùng, khởi phát từ từ, tiến trình bệnh kéo dài, điều trị dai dẳng và để lại hậu quả với bệnh nhân và xã hội... Yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh không lây nhiễm bao gồm thói quen sinh hoạt, lối sống, các tác nhân vật lý hay hóa học. Các yếu tố này khi xuất hiện sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh không lây nhiễm hay tử vong do bệnh. Qua thống kê thì bệnh không lây nhiễm có chung 4 yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá (thuốc lào); thiếu vận động thể lực; lạm dụng rượu, bia; chế độ ăn không hợp lý.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh không lây nhiễm đang trở nên phổ biến trong cộng đồng, là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu, làm ảnh hưởng thiệt hại kinh tế trong xã hội, tạo nên những thách thức lớn đối với nền y tế của các nước, đặc biệt ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.
 
Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường ở Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Ảnh: Thành Chung
Kết quả điều tra tại Việt Nam năm 2016, cả nước có 548.800 ca tử vong, trong đó nguyên nhân do bệnh không lây nhiễm chiếm 77% (44% tử vong trước 70 tuổi; chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư. Như vậy, cứ 5 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp và cứ 25 người trưởng thành có khoảng 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, có hơn một nửa bệnh nhân tăng huyết áp và khoảng 70% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng chưa được phát hiện.
Ở Nghệ An, theo báo cáo thống kê từ trạm y tế xã, năm 2023, có khoảng 120.471 bệnh nhân tăng huyết áp và 33.230 bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện trên địa bàn tỉnh. Ở thời điểm hiện nay, báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện có chuyên khoa điều trị ung thư, tim mạch, nội tiết… đều luôn quá tải.
Sở dĩ bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do nước ta đang là quốc gia sử dụng rượu, bia nhiều, tỷ lệ hút thuốc lá cao. Việc sử dụng rượu bia rất nhiều nên làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch...
Ngoài ra, nhận thức của người dân nói chung về bệnh không lây nhiễm chưa cao nên hành vi, lối sống, chế độ ăn uống chưa phù hợp. Bên cạnh đó, tỷ lệ sàng lọc, phát hiện sớm ở Việt Nam cũng còn thấp; hoạt động quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, sau dịch Covid-19, thế giới sẽ phải đối mặt với một đại dịch khác mang tên bệnh không lây nhiễm. Do đó, các nước cần tiếp tục đầu tư, tập trung nguồn lực cho các hoạt động dự phòng cũng như chăm sóc, điều trị cho những người mắc các bệnh không lây nhiễm.
P.V: Rõ ràng bệnh không lây nhiễm là rất nguy hiểm và đang có xu hướng gia tăng. Để phòng chống, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang thực hiện các giải pháp nào?
Lượng bệnh nhân bị huyết áp và tim mạch đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là rất lớn. Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Thành Chung
Bác sĩ Lê Tuấn Anh: Hiện nay việc phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần đang là một nội dung ưu tiên trong chính sách y tế của Việt Nam. Bộ Y tế và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước kiểm soát bệnh không lây nhiễm, giảm tải bệnh viện tuyến trên thông qua hoạt động đưa quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm về tuyến y tế cơ sở. Ngày 29/01/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 155/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.
Thực hiện công tác phòng chống, kiểm soát bệnh không lây nhiễm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/11/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 920/KH-UBND về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023- 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An, các đơn vị y tế và UBND các huyện, thành phố, thị xã cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm của riêng mình. Theo đó, những giải pháp mà các địa phương triển khai là: Tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; giải pháp về cơ chế, chính sách, trong đó có phân bổ kinh phí nguồn ngân sách về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và tăng cường thực thi các quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe; truyền thông nâng cao nhận thức về sức khoẻ, giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh không lây nhiễm; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm; phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm và yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm. Trong đó, tập trung vào các biện pháp tăng cường truyền thông để giúp người dân hiểu về mức nguy hiểm của các bệnh không lây nhiễm; tăng cường chất lượng dịch vụ quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế nhằm giảm quản lý bệnh nhân không lây nhiễm trong cộng đồng hiệu quả hơn thông qua hoạt động giám sát, tập huấn nâng cao năng lực…
Để phòng chống, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, hiện nay, 100% các trạm y tế trong tỉnh đã thực hiện quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp và thực hiện khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp, yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường tại trạm, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Khám và cấp thuốc cho bệnh nhân tăng huyết áp điều trị ngoại trú tại Trạm Y tế xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thành Chung
P.V: Những biện pháp phòng chống, kiểm soát được đề ra là rất tích cực, tuy nhiên tại sao bệnh không lây nhiễm lại có xu thế tăng lên? Có phải vì chúng ta chưa thực hiện tốt các biện pháp đã nêu trên?
Bác sĩ Lê Tuấn Anh: Thực tế hiện nay, công tác phòng chống, kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là, tỷ lệ sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm còn thấp; hoạt động quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở gặp nhiều khó khăn... một số trạm y tế xã chưa đảm bảo danh mục và số lượng thuốc thiết yếu cho quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm và chưa thực hiện xét nghiệm đường máu mao mạch cho quản lý, điều trị bệnh nhân đái tháo đường; việc quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn chưa được đầy đủ.
Bệnh không lây nhiễm thường tiến triển âm thầm, đến lúc có các biến chứng xảy ra thì mới được phát hiện, người dân còn chưa nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của bệnh nên chưa quan tâm phòng, chống. Hành vi hút thuốc lá, uống bia, rượu không kiểm soát đang phổ biến. Người dân vẫn còn nhiều thói quen, lối sống gây hại làm tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm cao.

Nguyên nhân là do các hoạt động phòng chống, kiểm soát chưa được quan tâm đúng mực, chưa được xem trọng như việc phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nguồn kinh phí phân bổ, bố trí để thực hiện phòng chống, kiểm soát tại tuyến y tế hầu như không có hoặc chưa được bố trí nguồn. Do thiếu nguồn kinh phí nên các hoạt động phòng chống, kiểm soát chưa triển khai đầy đủ, đồng bộ, nhất là việc khám sàng lọc phát hiện bệnh, nguy cơ mắc bệnh. Các trạm y tế hiện gặp khó khăn về nhân lực khi phải cùng thực hiện quá nhiều chương trình y tế, trong khi số lượng và trình độ còn hạn chế.
Để khắc phục được những khó khăn này, hướng tới việc phòng chống, kiểm soát bệnh không lây nhiễm hiệu quả, giảm thiểu yếu tố nguy cơ, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các yếu tố nguy cơ, hành vi nguy cơ gây nên bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức cho người dân. Các cấp chính quyền địa phương cần bố trí nguồn kinh phí để hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm hiệu quả hơn.
Thay đổi hành vi lối sống có hại, khám sàng lọc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là những điều vô cùng quan trọng trong phòng chống bệnh không lây nhiễm.
P.V: Được biết tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng báo động ở bệnh nhân trẻ. Trong khi đó, hiện tượng những thanh niên "ngủ ngày cày đêm"; trẻ em suốt ngày ôm máy điện thoại thông minh, vi tính mà ít vận động... đang dần trở nên phổ biến. Ông có thể khuyến cáo gì cho người dân về vấn đề đáng lo ngại này?
Bác sĩ Lê Tuấn Anh: Do sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngày nay chúng ta bắt gặp không ít các thanh niên "ngủ ngày cày đêm", gây nên sự đảo lộn của sinh hoạt; kèm theo đó là sự bất hợp lý trong ăn uống với sự gia tăng của các nhà hàng fast food, đồ ăn ngọt, nhiều mỡ, thức uống có ga, có cồn… Tỷ lệ béo phì, cận thị trong giới trẻ cũng đang gióng lên những hồi chuông đáng báo động. Điều này lý giải sự tăng vọt và trẻ hóa của các bệnh không lây nhiễm.
 
  Một cơ sở chuyên lắp ráp, cung cấp thuốc lá điện tử bị Công an thành phố Vinh triệt phá. Ảnh: tư liệu
Nguy hại không kém là tình trạng tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng tăng và trẻ hoá. Thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới đã và đang từng bước thâm nhập vào môi trường học đường ở các cấp học từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Những yếu tố nguy cơ nói trên sẽ dẫn đến hàng loạt bệnh không lây nhiễm ở trẻ từ thừa cân, béo phì, đái tháo đường, huyết áp, trầm cảm và rối loạn tâm thần, tim mạch, rối loạn về mặt chuyển hóa, bệnh về mắt, cơ xương khớp... cho đến các bệnh suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn, tổn thương phổi cấp, rối loạn hô hấp, ho mãn tính, viêm phế quản mạn tính; gây tổn thương tim mạch, làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và tiền sử đột quỵ; gây tổn thương DNA, làm tăng nguy cơ ung thư; gây các bệnh về răng miệng, các bệnh tiêu hóa.
Để phòng tránh, ngăn chặn bệnh không lây nhiễm phát triển thì rõ ràng chúng ta cần triệt tiêu các yếu tố nguy cơ. Đó là cần bỏ thuốc lá; tăng cường vận động thể lực, tích cực tham gia thể dục thể thao; hạn chế rượu bia và có chế độ ăn uống hợp lý... Với chế độ ăn thì cần hạn chế muối, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ xào rán; đồ uống ngọt, có ga; tăng cường rau xanh, hoa quả tươi… Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh lý không lây nhiễm.
Ngăn ngừa bệnh không lây nhiễm ở trẻ cần tạo nên những sân chơi lành mạnh, thu hút trẻ tham gia, chú trọng đến dinh dưỡng, khẩu phần ăn cho trẻ một cách phù hợp. Gia đình cần có giải pháp để điều chỉnh lối sống hành vi, sinh hoạt của trẻ; đặc biệt là có sự phối hợp tốt để ngăn chặn việc tỷ lệ trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Khoa PCBKLN
(Nguồn: https://baonghean.vn/)

 

Tác giả bài viết: Khoa PC BKLN

Nguồn tin: baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dịch vụ khử trùng Môi trường trắc quan Khám sức khỏe người lao động

Thống kê

  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay4,757
  • Tháng hiện tại46,603
  • Tổng lượt truy cập3,816,832

Liên kết web

cục quản lý chữa bệnh Bộ y tế cục y tế dự phòng Viện vệ sinh dịch tễ viện pasr Hồ chí minh Viện dinh dưỡng Sở Y Tế Nghệ An TMS
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây