Hướng tới mục tiêu ‘90 thứ Tư’ trong chăm sóc và điều trị HIV tại Việt Nam

Thứ ba - 07/05/2024 04:06
Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổ chức BIDMC và Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Đạt mục tiêu ‘90 thứ Tư’ - Chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người có H và các nhóm đích ở Việt Nam”.

Trong hai ngày 7- 8/5/2024, tại Ninh Bình, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổ chức BIDMC và Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Đạt mục tiêu ‘90 thứ Tư’ - Chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người có H và các nhóm đích ở Việt Nam”.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Công tác chăm sóc và điều trị HIV của Việt Nam đã được công nhận là một mô hình thành công trên toàn cầu. Sự nỗ lực và thành công trong điều trị HIV đã đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia trong khu vực có tỷ lệ ‘người có H’ đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế cao và đã có những thành tựu đáng kể trong việc đạt được mục tiêu 90-90-90 (90% số người có HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV nhận được điều trị và 90% trong số họ đạt được mức tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện), tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Hướng tới mục tiêu ‘90 thứ Tư’ trong chăm sóc và điều trị HIV tại Việt Nam- Ảnh 1.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, với sự thay đổi về độ tuổi dân số, tình hình kinh tế, xã hội, công tác chăm sóc và điều trị HIV… cần có những đột phá để đáp ứng nhu cầu và chăm sóc tốt hơn nữa cho cộng đồng người sống chung với HIV (NCH), để họ có cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh như tất cả mọi người. Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị toàn diện này nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống ở người có HIV. Đây cũng chính là khái niệm "90 thứ Tư".

Theo đó, mục tiêu "90 thứ Tư" đánh dấu một sự thay đổi mang tính chiến lược trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với chăm sóc và điều trị HIV lấy NCH làm trung tâm, ngoài việc đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (K=K). NCH cần được hỗ trợ toàn diện để đảm bảo cuộc sống về mặt thể chất, tinh thần và xã hội. Bằng cách lồng ghép mục tiêu "90 thứ Tư" vào các chiến lược tiếp cận, chúng ta không chỉ đảm bảo NCH và cộng đồng của mình được chăm sóc và điều trị hiệu quả, mà còn giúp tăng cường chất lượng cuộc sống của họ.

Hướng tới mục tiêu ‘90 thứ Tư’ trong chăm sóc và điều trị HIV tại Việt Nam- Ảnh 2.
BS. Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.
BS. Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Việc điều trị HIV và đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện đem lại vai trò rất to lớn cho NCH. Trong hội thảo này, chúng ta sẽ bàn luận về "chất lượng cuộc sống" có ý nghĩa như thế nào đối với NCH – khi nhắc đến sức khỏe và hơn thế nữa. Với sự có mặt của các nhà quản lý, nhân viên y tế, đại diện cộng đồng, người sử dụng dịch vụ, và các chuyên gia trong lĩnh vực HIV/AIDS… sẽ cùng bàn luận và thống nhất về các phạm trù khác nhau của phúc lợi và chất lượng cuộc sống và cách chúng ta có thể phối hợp để đạt được "90 thứ Tư" ở Việt Nam. CDC Hoa Kỳ cam kết giúp Việt Nam đạt được mục tiêu "90 thứ Tư".

Tại Hội thảo, PGS.TS Phan Thị Thu Hương đề nghị các đại biểu: Tập trung nghiên cứu, tham mưu về cách thức tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm hỗ trợ nhiều người NCH được tiếp cận với các dịch vụ quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh đồng nhiễm một cách hiệu quả; thảo luận về các chỉ số cần thiết về "90 thứ Tư" và cách thức thực hiện, thực hành để thu thập các chỉ số đánh giá này; cập nhật thông tin về bộ tài liệu hỗ trợ tư vấn K=K…

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã giới thiệu tài liệu "3 Thời điểm tư vấn K=K" dành cho nhân viên y tế. Bộ công cụ này được thiết kế nhằm hỗ trợ cho các nhân viên y tế trong công tác tư vấn thông điệp K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) cho khách hàng, đảm bảo tuân thủ điều trị HIV và giúp họ sống cuộc sống khỏe mạnh và đầy đủ như mọi người khác.

Bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết và sự tự tin trong thông điệp K=K, các nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sự kỳ thị và tự kỳ thị, thúc đẩy việc tuân thủ điều trị và tạo điều kiện cho NCH có cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần ở NCH cũng như người thân của họ.

Các thời điểm cần thực hiện giáo dục K=K cho khách hàng bao gồm:

- Khi tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV;

- Khi NCH bắt đầu điều trị ARV

- Tại thời điểm thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ.
 

Thu Hiền( theo báo SK&ĐS)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây