Vai trò của nhân viên tiếp cận cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Thứ năm - 30/11/2023 22:50
Nhân viên tiếp cận cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là cầu nối quan trọng giữa cơ quan y tế với những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV
Vai trò rất quan trọng của nhân viên tiếp cận cộng đồng là thực hiện công việc tiếp cận nhóm khách hàng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV (ma túy, mại dâm, đồng giới nam, chuyển giới nữ, bạn tình người nguy cơ cao, bạn tình người nhiễm HIV), cung cấp các vật dụng giảm tác hại như bao cao su, bơm kim tiêm sạch, tư vấn, chuyển gửi khách hàng đến sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị HIV/AIDS, uống Methadone; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Họ chính là cầu nối quan trọng giữa cơ quan y tế với những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Qua đó, các cơ quan y tế cùng với các tổ chức dựa vào cộng đồng hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh.
Ngoài sự nổ lực của đội ngũ nhân viên y tế thì vai trò của nhân viên tiếp cận cộng đồng luôn được đánh giá cao và được xem như là "những cánh tay nối dài" hỗ trợ ngành y tế phát hiện và vận động những người có nguy cơ cao đi xét nghiệm, giúp người nhiễm HIV có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục kiên trì với hành trình chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Anh-tin-bai
Nhóm "Sao Va" chia sẻ hoạt động của mình với phóng viên báo chí 
Do là người có cùng hoàn cảnh nên việc tiếp xúc và chia sẻ của các đồng đẳng viên với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao dễ đồng cảm hơn, vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn, chỉ có người trong cùng cộng đồng mới hiểu được cộng đồng muốn gì, nhu cầu ra sao, từ đó giúp họ tiếp cận được các dịch vụ dự phòng và điều trị hiện có trên địa bàn.
Chia sẻ khi bắt đầu công việc, anh Hiền, Trưởng nhóm “Sao Va” cho biết: “Khi mới tham gia nhân viên tiếp cận cộng đồng anh đã phải vượt qua các định kiến của bạn bè, sự cản trở của gia đình, sự kỳ thị nghi ngờ của những người xung quanh. Không chỉ đối diện với khó khăn trong gia đình, bạn bè mà anh còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận do vừa mới làm, vừa phải tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau”. Khi bắt đầu tham gia hoạt động, anh gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận những người có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS, bản thân cũng còn e dè, bên cạnh đó gia đình không cho đi tiếp cận vì cho rằng đi tiếp cận sợ có nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của những đồng đẳng viên đi trước, cộng với tính kiên trì và học hỏi nâng cao kiến thức để biết cách phòng chống lây nhiễm HIV cho cộng đồng và bản thân mình, khi đấy gia đình mới yên tâm để anh đi làm. Quế Phong là địa bàn có người nhiễm HIV cao nhất cả tỉnh, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đa phần có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn đồi núi phức tạp, đường xá xa xôi nên việc tiếp cận bệnh nhân để tư vấn  đi uống thuốc ARV mất nhiều thời gian và vất vả. Anh cho biết thêm: “Từ khi tham gia làm nhân viên tiếp cận cộng đồng, anh cảm thấy mình trưởng thành hơn nhiều, được đi nhiều lớp tập huấn, học hỏi được nhiều kỹ năng quý báu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, do đó được mọi người tin tưởng hơn…”.
Anh-tin-bai
Đoàn PV gặp gỡ chia sẻ bệnh nhân nghiện chích ma túy đang điều trị Methadone tại TTYT huyện Quế Phong 
Hiện nay, Nghệ An có 39 nhân viên tiếp cận cộng đồng và 62 nhân viên y tế thôn bản, triển khai nhiều hoạt động, nhiều cách làm sáng tạo và cách làm hay để truyền thông, vận động các đối tượng đích tham gia thực hiện các công tác phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị ARV, điều trị PrEP… Nhờ đó đã góp phần giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình làm việc theo đánh giá chung của các thành viên thì những trường hợp khi phát mới hiện nhiễm HIV họ rất mặc cảm, bi quan, thậm chí từng nghĩ đến việc kết thúc mạng sống của mình, các bạn phải mất nhiều thời gian nói chuyện, động viên, giúp đỡ, dần dần bệnh nhân mới chấp nhận đi điều trị.
          Từ đầu năm đến nay đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng và nhân viên y tế thôn bản đã cấp phát 332,669 bơm kim tiêm sạch, 310,945 bao cao su, 70,617 gói chất bôi trơn, 304 hộp an toàn để thu gom và tiêu hủy bơm kim tiêm đã sử dụng. Riêng trong năm 2022 đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng đã phát hiện được 50/243 ca nhiễm mới, góp phần đáng ghi nhận trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh nhà.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh mô hình tự xét nghiệm HIV thông qua trang web: “tuxetnghiem.vn”, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động; Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, tăng cường truyền thông trên nền tảng internet như Zalo, facebook... Tập trung triển khai can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao, người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân, bên cạnh đó hỗ trợ tích cực cho đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng hoạt động hiệu quả, nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch AIDS trên địa bàn vào năm 2030.
Khoa PC HIV/AIDS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây