Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Nghệ An

https://cdcnghean.vn


Cảnh báo ngộ độc thực phẩm trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài

Thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc.

Thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc. Bên cạnh đó, việc thiếu nước sạch trong mùa hè, quá trình chế biến, bảo quản không bảo đảm, gia tăng sử dụng nước đá ăn uống thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cao. Do vậy, trên địa bàn cả nước và trong tỉnh, tình hình ngộ độc thực phẩm thường diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng vào mùa hè, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và kinh doanh thức ăn đường phố nhất là xung quanh các khu vực nhà máy, trường học, bệnh viện,…
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn khuẩn Tụ cầu vàng có trong sữa chua lên men tự làm!
Ngày 09/5/2023, tại bếp ăn bán trú Trường mầm non Thuận Sơn, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương ghi nhận xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm làm 76 người mắc. Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan đã trực tiếp điều tra tại, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm xác định nguyên nhân. Nguyên nhân vụ ngộ độc được xác định do vi khuẩn Tụ cầu vàng S.aureus có trong món sữa chua lên men do các cô nuôi của trường tự chế biến. Ngoài ra, trên cả nước cũng ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng và vấn đề bảo quản thực phẩm không đúng cách, không bảo đảm dẫn đến thực phẩm rất dễ bị nhiễm vi sinh vật gây ngộ độc.

Chi cục ATVSTP Nghệ An điều tra, xử trí vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Đô Lương, Nghệ An

Cần làm gì để phòng ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng?
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, Sở Y tế Nghệ An đã ban hành Công văn số 1259/SYT-NVY ngày 04/5/2023 đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Ngoài ra, cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm, đó là: Chọn thực phẩm an toàn; Nấu kỹ thức ăn; Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; Không để lẫn thực phẩm sống và chín; Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; Sử dụng nguồn nước sạch.
Người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè nên mua những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Đặc biệt, đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi - Hại” của chiếc tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm.

Lưu ý khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh vào thời điểm nắng nóng

Lưu ý khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh vào thời điểm nắng nóng
Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện đầy đủ và đúng các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để sản xuất, chế biến, kinh doanh; Không sử dụng thịt gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, cần kịp thời báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xử trí ngộ độc theo quy định./.


Phòng Nghiệp vụ - Chi cục ATVSTP Nghệ An


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây